Sau nhiều giờ thảo luận căng thẳng, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) trong cuộc họp ngày 20/6 ở Brussels, Bỉ đã cam kết tiếp tục giải ngân gói cứu trợ hiện nay.
Đồng thời các bộ trưởng đã phác thảo gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, với điều kiện Quốc hội Hy Lạp phải thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới do chính phủ đệ trình.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ giải ngân cho Hy Lạp 12 tỷ euro vào giữa tháng Bảy tới, sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp khắc khổ mới vốn không được lòng dân.
Đây là khoản cứu trợ thứ năm trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp hồi năm ngoái, và cũng là khoản cứu trợ tối cần thiết giúp Athens thanh toán những khoản nợ đáo hạn vào tháng Bảy trong bối cảnh ngân sách đã cạn kiệt.
Khu vực đồng euro chịu trách nhiệm giải ngân 8,7 tỷ euro, phần còn lại thuộc trách nhiệm của IMF.
Ngoài thu nhập từ thuế, lộ trình thực hiện gói cứu trợ thứ hai trị giá 100 tỷ euro còn bao gồm phần đóng góp đáng kể trên cơ sở không chính thức và tự nguyện từ các ngân hàng tư nhân, quỹ lương và công ty bảo hiểm giúp chính phủ thanh toán phần nợ đã đáo hạn.
Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho biết các cam kết giải ngân khoản cứu trợ thứ năm sẽ không được thực hiện cho đến khi Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" mới.
Các bộ trưởng quyết định đầu tháng Bảy tới sẽ xác định những thông số chính liên quan gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, đồng thời hối thúc Athens kiên quyết và khẩn trương thực hiện các cam kết tài chính của mình.
Athens dự định từ nay đến năm 2015 sẽ tiết kiệm 28,4 tỷ euro thông qua biện pháp giảm chi tiêu ngân sách và thu về 50 tỷ euro thông qua kế hoạch bán một số tài sản quốc gia.
Lãnh đạo EU đang tìm cách đạt đồng thuận về các đường hướng chỉ đạo liên quan gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp tại hội nghị cấp cao EU, dự kiến diễn ra trong tuần này.
Gói cứu trợ này được xem là "lá chắn" bảo vệ Hy Lạp trước những biến động trên thị trường tiền tệ cho đến cuối năm 2014.
EU cũng hy vọng quyết định này sẽ giúp một số nước khác trong khu vực như Bỉ và Italy không rơi vào vòng xoáy lãi suất tăng ngoài dự kiến./.