Ngày 22/06/2011-14:40:00 PM
(MPI Portal) - Nhằm trao đổi các thông tin liên quan đến việc phối hợp xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vào các khu công nghiệp Việt Nam, sáng ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Diễn đàn phát triển Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA, JETRO, đại diện ban quản lý các khu công nghiệp, đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Nhật Bản cùng các cơ quan truyền thông.
Công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm nhiều hơn nhằm tạo thêm giá trị cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và qua đó giúp giảm thâm hụt thương mại. Đến nay đã có nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm xúc tiến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế sâu rộng cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những lợi thế của Việt Nam về nguồn nhân lực trẻ, thông minh, sáng tạo, vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu quốc tế, với chế độ chính trị xã hội ổn định...là động lực để các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 21,2 tỷ USD, đứng thứ 2 trong 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư Nhật Bản. Lĩnh vực này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới với 962 dự án có tổng vốn đầu tư là 18,3 tỷ USD, chiếm 86,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
|
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Theo Thứ trưởng Đông, một số ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao sẽ được khuyến khích. Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí và giá thành thuê đất. Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sử dụng đất trong khu, cụm công nghiệp được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, các dịch vụ công cộng và các dịch vụ khác trong cụm, khu công nghiệp, được hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động.
|
Ông Motonori Tsuno, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, ông Motonori Tsuno, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, Nhật Bản đã có nhiều dự án ODA tại Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật, cung cấp các khoản vốn vay trung và dài hạn, triển khai hoạt động đào tạo nhân lực trong trường đại học, tổ chức các khóa đào tạo kinh doanh theo kiểu Nhật Bản…Ông Motonori Tsuno khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư từ các DNNVV Nhật Bản phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Ông mong rằng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước và mối quan hệ giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển sâu, rộng hơn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Hội thảo cũng được nghe đại diện một số khu công nghiệp Việt Nam và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản trình bày những tham luận nhằm thu hút các DNNVV của Nhật Bản vào khu công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy công nghiệp hỗ trợ tạo ra nhiều công ăn việc làm, giúp cập nhật trình độ của lực lượng lao động; giúp giảm phụ thuộc nhập khẩu; thúc đẩy phát triển tại chỗ các ngành dịch vụ đi kèm; giúp chủ động quản lý dây chuyền sản xuất, chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đang là một trong những chính sách ưu tiên phát triển hàng đầu của Chính phủ và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm tới.
Hội thảo lần này cũng là cơ hội tốt để các cơ quan của Việt Nam, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, DNNVV Nhật Bản, các tư vấn và cán bộ từ các cơ quan Chính phủ Việt Nam có dịp lắng nghe, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quý báu về thu hút đầu tư từ các DNNVV của Nhật Bản vào các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở đó dần hình thành nên những cụm điểm công nghiệp hỗ trợ tập trung phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc kêu gọi thu hút đầu tư./.
Cuối tháng 4/2009, dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản số 1 được khởi công tại Quế Võ, Bắc Ninh. Đây là khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và bổ sung khu công nghiệp này vào danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng 2020.
Ngày 24/02/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây có thể coi là cú hích mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, yếu tố quan trọng để nâng cao giá trịhàng hóa Việt Nam.
|
Tùng Linh Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|