Tại hội nghị ngày 23/6 ở Paris, Pháp, các bộ trưởng nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí hành động nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ lương thực.
|
Công nhân vận chuyển các bao ngô tại một khu chợ
|
Vấn nạn này được cho là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng vọt trong những năm 2007-2008, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và gây bạo loạn xã hội ở một số nước.
Hội nghị tán thành việc siết chặt quy định thị trường nhằm hạn chế nạn đầu cơ và trao quyền cho các bộ trưởng nông nghiệp G-20 đề xuất những biện pháp cụ thể liên quan vấn đề này.
Các bộ trưởng cũng ủng hộ việc thành lập một hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp quốc tế (AMIS); nhất trí thiết lập cơ chế phản ứng nhanh, mở đường để G-20 trong tương lai có thể phản ứng tập thể khi xảy ra biến động bất lợi về mùa màng hoặc giá lương thực.
Các bộ trưởng đồng ý miễn trừ thuế hoặc dỡ bỏ những hạn chế xuất khẩu đối với những chương trình viện trợ lương thực nhân đạo, cam kết kiểm soát biến động về giá lương thực.
Không chính thức thừa nhận việc sử dụng nông sản làm nhiên liệu sinh học góp phần làm gia tăng giá lương thực, hay kêu gọi các nước linh hoạt trong những chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sức ép đối với thị trường nông nghiệp, hội nghị chỉ ủng hộ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp nước chủ nhà Bruno Le Maire khẳng định, thỏa thuận vừa đạt được là một bước tiến đối với cộng đồng quốc tế, bao gồm các biện pháp cụ thể chứ không chỉ những tuyên bố chung chung.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, thỏa thuận đánh dấu sự đoàn kết lịch sử trong G-20, quyết tâm chống lại những thách thức trước mắt như nạn đói và sự biến động về giá lương thực mà thế giới đang phải đối mặt với tần suất ngày càng thường xuyên hơn.
Ông Vilsack nhấn mạnh, nếu được ủng hộ và thực hiện triệt để, AMIS và cơ chế phản ứng nhanh có thể hạn chế biến động trên thị trường nông sản.
Các nhà quan sát bình luận thỏa thuận đánh dấu sự thay đổi lớn đối với Trung Quốc và Ấn Độ, những nước trước đây không muốn chia sẻ các thông tin họ coi là quá nhạy cảm đối với an ninh quốc gia của mình./.