Mặc dù nhà đầu tư vẫn lo lắng về thị trường trái phiếu châu Âu sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy nhảy vọt qua ngưỡng 7%, nhưng kết quả khởi sắc trên chứng khoán Mỹ đêm qua nhờ thông tin tích cực về thị trường việc làm và doanh lợi của các công ty Mỹ đã cho thấy thị trường vẫn song song hai mảng sáng, tối.
|
Giá vàng quốc tế đêm qua đã trượt mạnh sau thông tin lạc quan về kinh tế Mỹ và thiếu diễn biến mới về tình hình châu Âu
|
Hôm qua, thị trường tài chính toàn cầu lại được một phen náo loạn sau khi tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) phát đi tín hiệu cho hay Pháp bị hạ bậc tín dụng nợ, từ đó đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này tăng vọt. Giới đầu tư tưởng như thị trường sụp đổ tới nơi, khi mà trước đó chi phí vay mượn của Italy đã vượt 7%.
Tuy nhiên, ngay sau đó, S&P đã sửa lại thông tin và cho biết đây là sai sót về mặt kỹ thuật. Xếp hạng tín dụng của Pháp vẫn duy trì ở AAA/A-1+ với triển vọng ổn định, và sai sót không liên quan đến bất cứ hoạt động giám sát xếp hạng nào. Lỗi kỹ thuật của S&P đã khiến Pháp và giới đầu cơ tài chính quốc tế nổi giận, đòi điều tra nguyên nhân.
Trong khi đó, chính giới ở Itay đã lên tiếng trấn an thị trường. Hôm qua, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano cho biết, nước này có khả năng trả khoản nợ khổng lồ, bất kể mức lợi suất trái phiếu chính phủ đã cao vọt. Lời trấn an của ông Napolitano tuy không phải là “thần dược” nhưng cũng giúp bình ổn tâm lý nhà đầu tư quốc tế sau một phen rúng động.
Cùng ngày, các hãng tin quốc tế cho hay, chính trị Hy Lạp đang dần ổn định trở lại. Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Lucas Papademos, đã được chỉ định làm thủ tướng tạm quyền của Hy Lạp. Vị thủ tướng này ngay lập tức kêu gọi người dân Hy Lạp đoàn kết góp phần giải quyết các vấn đề lớn mà nước này đang phải đối mặt.
Như vậy, trong ngày hôm qua, không có thông tin đáng kể nào ở châu Âu đủ để đẩy nhà đầu tư tới gần hơn bờ vực bất ổn tâm lý. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi giá chứng khoán và dầu thô lại quay đầu phục hồi khá mạnh sau những tin tức lạc quan về kinh tế Mỹ, dù những thông tin này chưa hẳn là có sức áp đảo xu hướng thị trường.
Các doanh nghiệp Mỹ đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn với việc Tập đoàn Dược phẩm Merck nâng cổ tức thêm 11% lần đầu tiên từ năm 2004 còn “đại gia” công nghệ Cisco công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng. Hai thông tin này cho thấy các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang khỏe mạnh thậm chí khi vấn đề tại châu Âu vẫn đang đè nặng tâm trí nhà đầu tư.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tuần kết thúc ngày 5/11, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm tới 10.000 người xuống mức điều chỉnh theo mùa là 390.000 người. Ngoài ra, trong ngày hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho hay, thâm hụt thương mại tháng 9 đã bất ngờ co hẹp 4%, xuống 43,1 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng báo cáo, xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu đã giúp thâm hụt thương mại Mỹ giảm từ 44,9 tỷ USD trong tháng 8 xuống 43,1 tỷ USD trong tháng 9. Kết quả này ngược với dự báo tăng lên 45,9 tỷ USD của giới phân tích đưa ra trước đó.
Với các thông tin lạc quan trên, thị trường chứng khoán Mỹ đã được đẩy trở lại quỹ đạo tăng điểm. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 112,92 điểm, tương ứng 0,96%, lên chốt ở 11.893,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng được 10,60 điểm, tương ứng 0,86%, lên 1.239,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 3,5 điểm, lên mốc 2.625,15 điểm.
Theo chân chứng khoán, thị trường dầu thô cũng khởi sắc sau một phiên tụt dốc. Cụ thể, kết thúc ngày 10/11, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 tăng mạnh 2,04 USD, tương ứng 2,1%, lên chốt ở mức 97,78 USD/thùng. Với mức tăng này, kết quả giao dịch ảm đạm của thị trường dầu thô phiên liền trước hoàn toàn bị xóa sạch.
Trên thị trường vàng, giá mặt hàng kim loại quý này loại kỳ hạn tháng 12 giảm 32 USD/ounce, xuống 1.759,60 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng loại này trong phiên là 1.736,60 – 1.776,90 USD/ounce. Giá vàng giao ngay cũng mất tới hơn 30 USD khi chạm 1.734,6 USD/ounce do trượt qua ngưỡng hỗ trợ 1.750 USD/ounce.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các thông tin kinh tế Mỹ dù lạc quan nhưng chưa hẳn đã áp đảo được xu hướng chung trên thị trường, nên kết quả chứng khoán châu Âu vẫn có sự tăng giảm đan xen nhau. Điều này phản ánh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về tình hình các thị trường trái phiếu ở châu Âu, sau những gì diễn ra ở Italy.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đã kêu gọi Hy Lạp và Italy "minh bạch hơn nữa vấn đề chính trị" trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ đã gây ra lo ngại về bất ổn chính trị. Bà Lagarde cũng đề nghị các thị trường mới nổi tăng giá đồng nội tệ.
Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò dư luận hàng quý của Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings công bố trong ngày cho thấy, 70% nhà đầu tư châu Âu tham dự cuộc điều tra nhất trí cho rằng nguy cơ xảy ra suy thoái kép là rất cao. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 40% và 21% trong cuộc thăm dò tương tự thực hiện vào hai quý trước./.