Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/11/2011-09:43:00 AM
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tăng cường giám sát các dự án đầu tư công

Bên lề Hội nghị Phổ biến và hướng dẫn triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg diễn ra ngày 11/11 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về các nội dung chính của Chỉ thị. Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trân trọng đăng tải toàn văn nội dung trả lời phỏng vấn.
ThưaBộ trưởng, việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 có tầm quan trọng như thế nào?
Trong những năm qua, công tác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ đã mang lại nhiều thành quả, song Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng nhận ra được hạn chế trong cơ chế quản lý đầu tư hiện nay.
Nguyên nhân là do việc phân cấp quá rộng, nhưng thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ vốn đầu tư công, đồng thời phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến mất khả năng cân đối vốn, kế hoạch đầu tư thường bị cắt khúc từng năm dẫn đến tình trạng đường sá dang dở... Kết quả là hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực.
Đâu là những điểm mới trong Chỉ thị 1792/CT-TTg, thưa Bộ trưởng?
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn.
Về phân cấp đầu tư vẫntheo quy định hiện hành, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn cho các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền do Chính phủ phê duyệt, vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu cho địa phương, vốn trái phiếu chính phủ.
Chỉ thị cũng quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư những dự án không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn, khiến thi công kéo dài, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, trong khi kiên trì cắt giảm đầu tư công, vẫn phải đảm bảo ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa được bố trí đủ vốn; ưu tiên vốn cho dự án hoàn thành năm 2012 và vốn đối ứng ODA.
Việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được duyệt.
Không bố trí vốn cho dự án có thể chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác.
Theo Bộ trưởng, khó khăn nhất trong quản lý đầu tư công thời gian tới là gì?
Nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn2012 - 2015 cho các dự án đã có trong danh mụcđược Quốc hội thông qua khoảng 500.000 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu chỉ là 180.000 tỷ đồng, mới đáp ứng được 36%. Như vậy, khó khăn ở đây là Chính phủ cần chọn lựa đúng các dự án đảm bảo an sinh xã hội, dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển kinh tế - xã hội để phân bổ nguồn vốn ngân sách trên.
Bộ trưởng có thể khái quát vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ?
Theo Chỉ thị 1792/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan rà soát, tổng hợp danh mục đầu tư của các Bộ,ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, hướng dẫn thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư, đề ra các biện pháp xử lý đối với các dự án trong kế hoạch nhưng phải tạm dừng, giãn tiến độ.
Để tạo sự chủ động cho địa phương và hạn chế cơ chế “xin - cho” vốn ngân sách hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý I/2012.
Theo đó, các địa phương phải xây dựng danh mục dự án đầu tư trung hạn cho 3 năm 2013 - 2015 để Chính phủ phê duyệt nguồn vốn, không để xảy ra tình trạng dự án đầu tư nửa chừng thì hết vốn hoặc đầu tư các dự án không nằm trong danh mục; các công trình cấp bách phải hoàn thiện sau 5 năm đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát các dự án đầu tư công, đảm bảo từng đồng vốn nhà nước mang lại hiệu quả cao nhất, chấm dứt tình trạng lãng phí, dàn trải.
Một vấn đề nữa là, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Xin cám ơn Bộ trưởng./.
Quang Duy
Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1769
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)