Cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và một số nước châu Âu cùng việc thắt chặt Quỹ hỗ trợ dành cho các nước nghèo trên thế giới, nhất là châu Phi, có thể khiến viện trợ nước ngoài cho châu Phi giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức nghiên cứu về tài chính toàn cầu (GFI), từ năm 1960 đến 2010, các nước phát triển đã viện trợ hơn 700 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, theo một số tổ chức tài chính quốc tế, tổng số tiền nước ngoài viện trợ cho châu lục đen có thể lên tới 850 tỷ USD.
Trước đó, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), ông Jean Deverino cho biết, những năm gần đây, nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Phi như Nam Phi, Angola, Nigeria, Tanzania, Kenya, Ghana... đã và đang phát triển rất nhanh và GDP của các nước này tăng trưởng liên tục trên 7%.
Do vậy, châu lục này cần làm quen với kỷ nguyên viện trợ nước ngoài không còn, hoặc giảm mạnh trong tương lai, đồng thời phải "tự thân vận động" trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái "kép" và nền kinh tế của một số nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Điều mấu chốt là các quốc gia châu Phi cần tập trung đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, mạng lưới thủy nông và quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực, giải quyết tình trạng thất nghiệp cùng nhiều vấn đề hạn chế đang tồn tại ngay trong mỗi quốc gia ở lục địa này.
Ngoài ra, muốn lấy lại lòng tin của các nhà tài trợ nước ngoàim châu Phi cần đẩy nhanh cuộc chiến chống tham nhũng. Tình trạng tham nhũng tràn lan hiện nay tại các nước châu Phi khiến nhiều nhà tài trợ thất vọng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tệ nạn tham nhũng ở châu Phi hiện đang “tiêu phí” khoảng 300 tỷ USD, chiếm tới 25% GDP của châu lục. Gần 80 thành viên của Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) cần hợp tác và phối hợp hành động vì sự phát triển chung của toàn bộ châu lục. Hiện AfDB đang hỗ trợ cho hơn 3.300 dự án phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.
Trung Quốc hiện là nước viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho các quốc gia châu Phi và có thể vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này trong thời gian tới. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã lên tới gần 110 tỷ USD, so hơn 130 tỷ USD của Mỹ.
Tuy nhiên, do quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn mong manh, chưa bền vững và tình hình nợ công tại Mỹ, EU... nên quan hệ thương mại giữa châu Phi với các nước, khu vực phát triển và mới nổi, nhất là Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đang có xu hướng giảm sút.
Đặc biệt, nét mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại của Trung Quốc với các nước châu Phi hiện nay là hình thức “đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng”./.