(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Nghiên cứu “Những khía cạnh kinh tế của phát triển các bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, chương trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Đại sứ quán Anh (FCO) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh (DFID), sáng ngày 15/3/2011, tại Hà Nội, Văn phòng Phát triển bền vững và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhu cầu đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế về phát triển các bon thấp cho Việt Nam”. Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì Hội thảo với sự tham dự của đại biểu đến từ các Bộ ngành.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy nhận định Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc biến đổi khí hậu vì vậy cần tận dụng mọi cơ hội để phát triển các bon thấp để đối phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của nghiên cứu giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra những phương án cho phép nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao để nâng cao khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời giảm đà tăng phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ xây dựng chiến lược tăng trưởng các bon thấp và chống chịu được với biến đổi khí hậu; Xây dựng năng lực cho Việt Nam để có thể tự thực hiện và cập nhật những phân tích về các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu.
Tham dự Hội thảo còn có bài nghiên cứu về “Cơ hội và thách thức trong phát triển công nghiệp các bon thấp ở Việt Nam” của Tiến sĩ Lê Minh Đức, Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp - Bộ Công thương. Theo ông Lê Minh Đức, lựa chọn phát triển cacbon thấp ở Việt Nam còn thiếu các dữ liệu lượng hóa, cơ sở cho việc so sánh đánh giá; Việc đưa các yếu tố môi trường vào đánh giá vẫn là thách thức lớn chưa thể vượt qua.
Tiến sĩ Huỳnh Thị Lan Hương, Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng trình bày nghiên cứu về thuận lợi và khó khăn trong phát triển nền kinh tế các bon thấp ở Việt Nam. Bà Huỳnh Thị Lan Hương đưa ra năm biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính, đó là: (1) Sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng mới, gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời, thuỷ điện, khí sinh học và sinh khối; thay thế các lò hơi đốt than hiệu suất thấp bằng các lò có hiệu suất cao hơn; phát triển năng lượng địa nhiệt, thuỷ điện nhỏ, sản xuất điện gió, sản xuất điện từ trấu, hoặc các nhà máy nhiệt điện khí nhằm thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than. (2) Sử dụng năng lượng trong công nghiệp, công cộng và dân cư: cải thiện sử dụng hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng, quy trình sản xuất,…; sử dụng các thiết bị hiệu suất cao; cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực giao thông. (3) Về lâm nghiệp: thực hiện chương trình trồng 5 triệu hécta rừng; bảo tồn các khu rừng sẵn có; phòng chống cháy rừng. (4) Về nông nghiệp: thay thế khí đốt than bằng khí sinh học, phát triển và ứng dụng kỹ thuật bền vững, cải thiện hệ thống tưới tiêu và giảm phát thải mê tan, giám sát nâng cao chất lượng thức ăn gia súc, tăng cường năng lực của cơ chế nghiên cứu nông nghiệp. (5) Phục hồi Metan từ sản xuất năng lượng và giao thông.
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, những góp ý quý báu từ những đại diện đến từ các cơ quan Bộ ngành.
Kết thúc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chân thành cảm ơn các đồng nghiệp, các chuyên gia đã giúp đỡ thực hiện Hội thảo thành công. Bà cũng mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hợp tác của các cơ quan liên quan hơn nữa ./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư