Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 8-9/12, trong một hội nghị thượng đỉnh mà theo như lời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, sẽ là "cơ hội cuối cùng" để giải cứu đồng euro nếu đề xuất tái cấu trúc EU không được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của khối lần này.
|
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu tại hội nghị
|
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận về nhiều điểm then chốt trong thỏa thuận thắt chặt chính sách tài khóa và thuế mới nhằm cân bằng cơ cấu thu - chi của chính phủ.
Một nhà ngoại giao tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU cho biết các nhà lãnh đạo của khối này đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về những quy định tài chính thắt chặt hơn, tuy nhiên, vẫn còn phải thảo luận về hình thức pháp lý của thoả thuận và không loại trừ khả năng tiến trình này sẽ vấp phải không ít trắc trở. Bởi vì, theo thỏa thuận mới, việc duy trì cân bằng ngân sách đòi hỏi tất cả các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) phải sửa đổi hiến pháp.
Theo dự thảo tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh EU được báo giới đăng tải, thỏa thuận tài khóa mới cho Khu vực đồng tiền chung được các nhà lãnh đạo EU nhất trí bao gồm hệ thống các quy định về thâm hụt ngân sách và thủ tục bảo hiểm nợ chặt chẽ hơn.
Theo đó, giới hạn thâm hụt cơ cấu sẽ ở mức 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước thành viên Eurozone và trần nợ công vẫn duy trì ở mức 3% GDP, kèm theo điều luật mới quy định nếu nước nào vi phạm sẽ tự động bị trừng phạt.
Dự thảo cũng đề cập tới việc Eurozone có kế hoạch sớm áp dụng Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của khu vực này có quy mô 500 tỷ euro vào tháng 7/2012, và cấp cho cơ chế này một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, con số này sẽ được xem xét lại vào tháng 7/2012, khi ESM bắt đầu có hiệu lực. Biện pháp này sẽ cho phép ESM tiếp cận thanh khoản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nâng cao khả năng của cơ chế này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone. Dự thảo cũng khẳng định ESM cần có khả năng trực tiếp tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với ý tưởng cung cấp các khoản vay song phương cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tổng giá trị 200 tỷ euro, trong đó Eurozone đóng góp 150 tỷ euro, để IMF có đủ nguồn lực ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Trong khi đó, nguồn tin Chính phủ Đức cho biết nước này đã bác bỏ một số biện pháp trong dự thảo tuyên bố nói trên, trong đó có việc cấp cho ESM một giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và phát hành trái phiếu chung của Eurozone.
Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao EU ngày 9/12 cho biết tại hội nghị, khối này đã không nhận được sự tán thành của tất cả 27 nước thành viên về việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng từ nay trở đi, mọi thỏa thuận của khối sẽ chỉ liên quan tới 17 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu, cộng thêm các quốc gia khác muốn tham gia.
Theo một nhà ngoại giao, thỏa thuận đổ vỡ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu các đối tác phải có nhượng bộ, song Đức và Pháp không chấp thuận. Ông Cameuron yêu cầu phải có những đảm bảo nhằm ngăn chặn việc tăng quyền lực cho các tổ chức giám sát tài chính của EU và coi đây là điều kiện để Luân Đôn ủng hộ mọi sửa đổi đối với luật cơ bản của EU.
Cụ thể, Anh muốn có các đảm bảo để ngăn ba cơ quan giám sát tài chính của EU phụ trách các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chi phối chính phủ các nước thành viên./.