(MPI Portal) – Sáng 25/07, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Hanns Seidel phối hợp tổ chức Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế vì phát triển bền vững trong cục diện thế giới hiện nay”. Tới dự Hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, cùng đại diện các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho biết, cục diện thế giới đang bước vào thời kỳ thứ 2 của thế kỷ 21 với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những cơ hội để tăng cường xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững.
Tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã có trình bày chuyên đề “Cục diện thế giới và quan hệ quốc tế trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI". Ông đã có nhận định: "Cục diện thế giới đang chuyển biến rất nhanh về tốc độ, rất rộng về phạm vi và rất sâu về tính chất. Sự chuyển biến đó diễn ra trên cả hai lĩnh vực: Kinh tế và chính trị - an ninh”.
Về kinh tế, quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế thế giới đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ xảy ra đồng thời với cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực và cả sự biến đổi khí hậu nên thế giới đang hướng tới các nền sản xuất tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Nhiều biện pháp được đưa ra để ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường dưới tác động của biến đổi khí hậu, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm được siết chặt. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các nước ASEAN nói chung, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV) nói riêng, cụ thể là: Cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của thế giới đang thay đổi một cách cơ bản khiến cơ cấu sản xuất của các nước ASEAN càng có nguy cơ tụt hậu xa hơn; Các nước kém phát triển sẽ gánh chịu hậu quả từ việc chuyển giao các ngành tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển; Nông sản xuất khẩu sang các nước phát triển gặp nhiều rào cản về vệ sinh, an toàn thực phẩm gay gắt hơn; Các nước ở hạ lưu sông Mê-kông, đặc biệt là Việt Nam sẽ chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về chính trị - an ninh, sức mạnh của các quốc gia và khu vực đang dịch chuyển. Không còn cách nào khác, mỗi quốc gia ngoài nỗ lực tự lực tự cường cần đi đôi với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong khu vực trên các tầng nấc khác nhau như: ASEAN, Tiểu vùng, giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam, tranh thủ sự hợp tác với các nước bên ngoài trên cơ sở giữ vững chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Hội thảo còn được nghe bài trình bày “Tăng cường hợp tác vì một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững” của Tiến sỹ Lê Quang Lân, Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN của Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương Việt Nam. Bài trình bày đã chỉ ra bốn hạn chế của hợp tác giữa các nước CLMV đó là: 1. Hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến về Hội nhập ASEAN chưa có tính hiệu quả rõ rệt; Trọng tâm là phát triển hạ tầng “mềm” không đáp ứng được nhu cầu của các nước CLMV. Các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được coi trọng; 2. Chương trình hỗ trợ các nước CLMV trong nội khối ASEAN chưa gắn với mục tiêu hội nhập của khu vực; 3. Hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV rời rạc; Xuất hiện xu thế tách Việt Nam khỏi Campuchia, Lào và Mianma (CLM) càng cho thấy rủi ro về khoảng cách phát triển và ảnh hưởng đến vị thế của các nước CLM; 4. Cách thức dành ưu đãi của ASEAN cho các nước CLMV không phát huy được nội lực của các nước này, cụ thể là thị trường xuất khẩu không được cải thiện nhiều trong các khu vực mậu dịch tự do, chủ yếu xuất phát từ góc độ bảo hộ.
Từ những hạn chế trên, Tiến sỹ Lê Quang Lân đã chỉ ra những việc mà các nước CLMV cần làm, là: Duy trì sự ổn định trong phát triển kinh tế vĩ mô; Thúc đẩy hợp tác nội khối CLMV, tận dụng những ưu thế chung, tăng cường đối trọng với quan hệ trong ASEAN và ASEAN với đối tác trong mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển; Thúc đẩy hợp tác giữa các nước CLMV trong các chương trình hợp tác chung với khu vực ASEAN; Tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước CLMV như thông qua các ưu đãi biên mậu, tạo thuận lợi cho thương mại, phát triển kết nối hạ tầng, phát triển đầu tư trực tiếp giữa các nước CLMV và khai thác các ưu thế chung, cùng tìm kiếm các tài trợ trong các dự án chung CLMV; Phát huy cơ chế hợp tác CLMV hiện có trên cơ sở kết nối với xu thế hợp tác chung của khu vực ASEAN; Cam kết dành ưu tiên hợp tác với ASEAN, coi ASEAN là nền tảng để phát huy sức mạnh của mỗi nước trong khu vực; Chủ động phối hợp xây dựng các dự án hợp tác CLMV nhằm thống nhất tạo cơ sở đề xuất dự án và kêu gọi tài trợ phục vụ tốt nhất lợi ích của mình; Tập trung khai thác các ưu đãi về thị trường xuất khẩu; Cùng hỗ trợ nhau trong đàm phán các thỏa thuận thương mại quốc tế, tránh các nguy cơ chia rẽ có phương hại đến lợi ích của các nước CLMV; Nâng cao hình ảnh của khối CLMV trong con mắt cộng đồng, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của khu vực, thực hiện tốt cam kết, nhất là cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư