Cộng hòa Congo là một trong những quốc gia có diện tích rừng lớn nhất tại châu Phi (2,5 triệu ha rừng), do đó quốc gia Trung Phi nàyđang tìm kiếm đầu tư của các công ty Ấn Độ vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ - lĩnh vực kinh tế chủ chốt tại Cộng hòa Congo chỉ sau dầu mỏ.
Tham gia tại Diễn đàn cấp cao về phát triển bền vững (DSDS) lần thứ 12 ở New Delhi (Ấn Độ), Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Cộng hòa Congo Henri Djombo cho rằng Cộng hòa Congo có thế mạnh về ngành công nghiệp gỗ nên muốn các công ty của Ấn Độ hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực chủ chốt này.
Nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, Cộng hòa Congo đã chủ động tìm kiếm đa dạng các đối tác đầu tư, nhất là từ các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của mình.
Ông Henri Djombo khẳng định Cộng hòa Congo là quốc gia có khí hậu nhiệt đới đầu tiên trên thế giới được ghi nhận có hơn 2,5 triệu ha rừng và phấn đấu nâng diện tích trồng rừng gấp đôi từ năm 2012 đến 2015. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, công nghệ và trình độ quản lý rừng, Cộng hòa Congo đã kêu gọi sự hợp tác đầu tư vốn từ bên ngoài, nhất là từ Ấn Độ.
Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Cộng hòa Congo đến nay đạt trên 650 triệu USD. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ, hạt tinh dầu, các loại đá quý, ngọc trai, hóa chất hữu cơ, các loại quặng thô và sắt phế liệu từCộng hòa Congo. Trong khi đó, các mặt hàng chủ yếu mà Ấn Độ xuất sang Cộng hòa Congo gồm gạo, chè, nước uống không cồn, đồ may mặc, vải, dược phẩm và các sản phẩm thịt.
Theo thống kê của Cộng hòa Congo, trong giai năm 2008-2009, xuất hàng hóa của nước này sang Ấn Độ đã tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là các mặt hàng quặng thô, xỉ quặng sau luyện kim, dầu mỏ, nước khoáng và các sản phẩm khác./.