Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Kaoru Yosano, chính phủ nước này có thể phải chi tới 10.000-15.000 tỷ yen (khoảng 184 tỷ USD) cho hoạt động tái thiết sau trận động đất hồi tháng Ba vừa qua.
|
Người dân bị mất nhà ở do động đất và sóng thần, sống trong khu nhà tạm tại Yamada, quận Iwate
|
Ông Yosano nói Chính phủ Nhật Bản có thể phát hành trái phiếu để huy động nguồn tài chính cho hoạt động tái thiết, song không nên làm như vậy mà không tính đến khả năng và thời hạn trả nợ; cho rằng điều quan trọng là phải duy trì được sự tin cậy của thị trường đối với tình hình tài chính của Nhật Bản. Điều này có nghĩa khả năng tăng thuế là khó tránh khỏi.
Gánh chịu cùng lúc ba thảm họa (động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân), Chính phủ Nhật Bản đang phải huy động nguồn tài chính cho công cuộc tái thiết đòi hỏi chi phí lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Thiệt hại do động đất đã khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái, khi suy giảm mạnh hơn dự kiến trong quý I năm nay và tiếp tục đi xuống trong quý II này, do thiếu điện và sự gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách khẩn cấp trị giá 4.000 tỷ yen (khoảng 50 tỷ USD) để khắc phục hậu quả của các thảm họa. Nước này có kế hoạch soạn thảo ngân sách bổ sung thứ hai khá lớn dành cho công cuộc tái thiết. Nợ công của Nhật Bản, hiện gấp đôi quy mô 5.000 tỷ yen của nền kinh tế, là lớn nhất trong số các nước công nghiệp lớn, hạn chế khả năng của nước này trong việc có thêm ngân sách bổ sung.
Các nghị sỹ Nhật Bản đang lưỡng lự trong vấn đề tăng thuế, điều có thể khiến dân chúng bất bình, kể cả khi chi phí tái thiết cũng đã bao gồm việc tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, ông Yosano cho rằng tăng thuế là cần thiết để Nhật Bản có thể tiếp tục chi cho quỹ phúc lợi xã hội đang tăng lên cũng như ổn định tình hình tài chính./.