(MPI Portal) - Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011, đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức đã có những báo cáo, đánh giá về bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam, đưa ra các ý tưởng nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Các Đại sứ và đại diện các tổ chức đều kỳ vọng vào những chính sách mới của Việt Nam và khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam phát triển.
Các đối tác phát triển cũng cho rằng, những giải pháp mà Việt Nam đề ra trong tái cấu trúc nền kinh tế, trong đótrọng tâm tập trung vào tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính là rất khả thi và đây là một sáng kiến của Việt Nam trong xây dựng một mô hình tăng trưởng mới và điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tình hình thực tế.
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đại sứ các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn cho công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là các cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ song cần hết sức linh hoạt cũng như việc tăng cường kỷ luật về tài chính.
Đại sứ Australia chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thông qua được Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Đây là dấu hiệu khả quan, vì năm nay Việt Nam có bộ máy Chính phủ mới. Việt Nam đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, do đó cần có những bước đi cụ thể để thực hiện kế hoạch này.
Chính phủ Australia tiếp tục ghi nhận Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để thực hiện những tham vọng của mình trong thế kỷ 21. Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện được những chiến lược và kế hoạch đã đề ra.
Cũng tại Hội nghị lần này, đại diện phía Nhật Bản hoan nghênh các chính sách của Việt Nam nhằm kiềm chế lạm phát, chính sách thắt chặt tín dụng, ổn định tiền đồng. Theo ý kiến của đại diện phía Nhật Bản, để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cần có những chính sách phát triển công nghiệp. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam với những tiềm năng và kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Việt Nam cần tiếp tục có những biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách ổn định, lâu dài. Liên quan đến chính sách thắt chặt ngân sách và cắt giảm vốn cho đầu tư công, các dự án cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể.
Phía Nhật Bản khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam phải đẩy nhanh cải cách hành chính, đặc biệt trong hệ thống thuế để tránh tình trạng trốn thuế, góp phần tăng thu ngân sách.
Với nguồn vốn ODA cam kết nhiều hơn năm trước, khoảng hơn 1,9 tỷ USD, Nhật Bản hy vọng Việt Nam sẽ kiềm chế được lạm phát, tiếp tục con đường phát triển bền vững và tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng Việt Nam.
Đại sứ Hàn Quốc đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Việt Nam và các đối tác vì những đóng góp cho thành công của Diễn đàn HLF thứ 4 diễn ra tại Busan Hàn Quốc tuần trước. Diễn đàn lần này đã đạt được tuyên bố chung, thống nhất về tầm nhìn để hợp tác thực sự và đưa ra một chương trình nghị sự mới.
Theo Đại sứ Hàn Quốc, Việt Nam đã chứng minh được là nước sử dụng hiệu quả viện trợ nhất. Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và bước vào giai đoạn phát triển mạnh chưa từng thấy giữa tình trạng khủng hoàng tòa cầu, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề, vì thế theo Đại sứ Hàn Quốc, việc Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế là rất cần thiết. Đây là bước đi đúng của Chính phủ Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi và chia sẻ trách nhiệm. EU hoan nghênh Việt Nam tiếp tục cam kết hội nhập quốc tế và mong muốn Việt Nam trở thành một đối tác trong thúc đẩy hòa bình và an ninh trên trường quốc tế và trong khu vực. Hội nhập mang lại cơ hội và thách thức lớn lao trong thương mại và đầu tư. Các cơ hội sẽ được hiện thực hóa khi Việt Nam tiến hành vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, đại diện EU cũng khuyến nghị, mô hình kinh tế hiện thời của Việt Nam cần phải được điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu khi thực hiện chính sách trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra ba vấn đề then chốt đối với định hướng tương lai của Việt Nam. Thứ nhất là thúc đẩy nền kinh tế xanh trong khi tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Tuy nhiên, cái giá của sự tăng trưởng là sự xuống cấp của tài nguyên thiên nhiên, gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng cho môi trường Việt Nam. Trước những thách thức đấy, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ cho tăng trưởng xanh. Mặc dù vậy, theo đại diện của EU, khuôn khổ này cần phải chuyển thành chiến lược khả thi với các ưu tiên rõ ràng. Tiếp đến là vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với hiện tượng nghèo kinh niên và nghèo mới vì sự di cư từ nông thôn ra thành thị, hiện tượng bất bình đẳng vẫn còn hiện hữu vì vậy cần phải có những biện pháp kịp thời, những chính sách tốt hơn để cải thiện vấn đề này. Thứ ba, vấn tham nhũng đã có những khuôn khổ pháp lý tốt, tuy nhiên chưa đầy đủ, còn có những lỗ hổng. Muốn thu hẹp vấn đề này cần có sự lãnh đạo về mặt chính trị mạnh mẽ và cần có những biện pháp để báo chí đưa tin và người dân tham gia vào chống tham nhũng mà không sợ bị trả thù.
Đại diện các nước đối tác, các tổ chức đề xuất, bên cạnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, tăng trưởng xanh, giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động nông thôn; cùng với đó là thực hiện hiệu quả các giải pháp trong phòng chống HIV/AIDS; giảm thiểu tử vong trẻ em sau sinh; thực hiện bình đẳng giới; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, khu vực.
Các vị Đại sứ đều khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là khẳng định các cam kết mạnh mẽ trong viện trợ vốn phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, và hy vọng điều này sẽ mang lại những giá trị to lớn cho nền kinh tế Việt Nam./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư