Các nhà kinh tế thế giới ngày 13/8 đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Nhật báo Phố Wall, tờ báo hàng đầu của Mỹ, nhấn mạnh những đám mây suy thoái lại tích tụ trên thị trường tài chính toàn cầu, gây ra tình trạng hoảng loạn tuần qua tại các nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
Các cuộc trao đổi điện thoại diễn ra dồn dập giữa các nhà lãnh đạo các nước, những người đứng đầu các cơ quan tài chính quốc tế và thống đốc ngân hàng trung ương, nhằm kêu gọi cùng hợp lực khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ thảm họa tài chính có thể tái diễn vào tuần tiếp theo do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, việc Mỹ bị hạ mức tín nhiệm và nguy cơ các nền kinh tế Anh, Pháp cũng mất lợi thế.
Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng hoảng loạn trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 liên quan đến các thị trường, nhưng tình trạng hoảng loạn mới nhất trên thị trường tài chính thế giới là khủng hoảng trong các chính phủ của các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất.
Nếu như năm 2008, các nước giàu nhất thế giới đã thực hiện nhanh chóng hàng loạt biện pháp can thiệp để ngăn chặn sự đổ vỡ của các thị trường tài chính thì cuộc hoảng loạn tuần qua lại diễn ra ngược lại.
Các thị trường tài chính đã mất lòng tin vào khả năng các nhà hoạch định chính sách có thể xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Năm 2008, các nước đều phản ứng thống nhất, nhưng hiện nay, sự căng thẳng, đặc biệt là sự căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu về phản ứng của châu lục này trước cuộc khủng hoảng nợ công, đang chi phối cách thức xử lý vấn đề.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng hiện trạng trên các thị trường tài chính thế giới phản ánh ở mức độ cao sự bất lực của các nhà hoạch định chính sách của các chính phủ các nền kinh tế lớn trên thế giới trong việc sắp xếp lại trật tự ngôi nhà chung tài chính-tiền tệ toàn cầu. Điều đó đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của các nhà đầu tư và làm rối loạn các thị trường chứng khoán thế giới.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ thực hiện các biện pháp nhỏ cứu vãn nguy cơ vỡ nợ tăng lên ở Italy và Tây Ban Nha sau khi các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) không thể thỏa thuận được kế hoạch cứu trợ hiệu quả.
Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục can thiệp để cứu thị trường tài chính trong ba năm qua, song trong cơn hoảng loạn hiện nay, FED mới chỉ đưa ra tuyên bố duy trì lãi suất thấp trong hai năm tới, và hứa hẹn mơ hồ về các biện pháp cụ thể trong tương lai./.