Theo Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk Võ Thanh, đến năm 2012, tỉnh Đắk Lắk đạt sản lượng cà phê đã qua tinh chế (cà phê bột, cà phê hòa tan) tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chiếm từ 14 đến 15% trong tổng sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh.
|
Dây chuyền sản xuất càphê hòa tan
|
Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy chế biến sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài hàng chục nhà máy đã đưa vào hoạt động, sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan có thương hiệu trên thị trường như Trung Nguyên, An Thái, Nam Nguyên, Mexico... hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8 doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê Ngon đã đầu tư trên 18 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến càphê hòa tan, với công suất 10.000 tấn sản phẩm/ năm tại Cụm Công nghiệp Cư Kuin (huyện Cư Kuin). Đây cũng là nhà máy chế biến càphê thứ 3 trên địa bàn tỉnh có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng thêm một nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, với công suất 60.000 tấn sản phẩm/ năm tại Cụm công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, chuẩn bị đi vào hoạt động.
Các nhà máy chế biến cà phê cũng đã hình thành các điểm thu mua cà phê tại cơ sở, mua trực tiếp của các nông hộ sản xuất cà phê, hạn chế mua qua khâu trung gian, tránh tình trạng ép cấp, ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất như trước đây. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng đã có một số dự án đang hoàn tất thủ tục để các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cũng theo ông Võ Thanh, hiện nay, việc chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn rất thấp, sản lượng chỉ chiếm khoảng 7 đến 8% trong tổng sản lượng cà phê nhân (bình quân mỗi năm tỉnh Đắk Lắk đạt 400.000 tấn càphê nhân)./.