Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá cao bản Báo cáo. Những kết quả này phần nào cho thấy bức tranh sơ lược về tình hình đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Báo cáo cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn và dài hạn. Kết quả thu được từ cuộc điều tra này sẽ giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nguồn thông tin tin cậy để phân tích, đánh giá tác động của dòng vốn FDI đến nền kinh tế, đến tình hình đầu tư trong nước, tăng trưởng việc làm và cạnh tranh công nghệ.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011-2015, một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế đất nước. Chính phủ vẫn xác định cần thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là FDI. Việc nhìn nhận, đánh giá tác động của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đến phát triển kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua là công cụ hữu hiệu giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích thực trạng tình hình để có thể đề ra những giải pháp hiệu quả cho giai đoạn phát triển mới.
Cuộc khảo sát được tiến hành tại 9 địa phương có sự tập trung lớn về đầu tư nước ngoài và các Khu công nghiệp lớn, cụ thể là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với các nhóm doanh nghiệp là nhóm doanh nghiệp đầu tư trong nước (DIs) và doanh nghiệp doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cuộc điều tra được tiến hành tại 1.494 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, trong đó có 57% là doanh nghiệp FDI, 43% doanh nghiệp trong nước (15% doanh nghiệp có vốn của chủ sở hữu nhà nước). Phần đông trong 855 doanh nghiệp FDI là các công ty con thuộc Tập đoàn đa quốc gia, chỉ có 307 doanh nghiệp (chiếm 37%) là các doanh nghiệp đầu tư riêng lẻ.
Theo báo cáo thì tuổi đời trung bình của doanh nghiệp trong nước là 18 năm, trong khi đó, ở doanh nghiệp FDI, con số này là 10 năm. Mặc dù non trẻ hơn song doanh nghiệp FDI lại có mức vốn đầu tư ban đầu lớn hơn với 31,7 triệu USD còn doanh nghiệp trong nước là 26 triệu USD. Tuy nhiên, ngay cả với thời gian dài như vậy, hầu hết các đơn vị sản xuất đều chưa sử dụng hết công suất máy móc. Hiệu suất sử dụng thiết bị đối với nhóm FDI là 86% trong khi con số trung bình của các doanh nghiệp nội là 84%.
Về lĩnh vực hoạt động, 92% doanh nghiệp trong nước và 97% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tác, 45 doanh nghiệp xây dựng và 32 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích như nước, môi trường.
|
Toàn cảnh buổi công bố. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Điều đáng nói là doanh nghiệp trong nước lại hoạt động có hiệu quả vượt trên cả kế hoạch đề ra (54%) trong khi doanh nghiệp FDI có 49% các doanh nghiệp vượt kế hoạch và có tới 24% là hoạt động không đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI hiện có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trung bình trong vòng 3 năm qua là khoảng 7,6%, cao hơn con số 6,7% của khu vực doanh nghiệp đầu tư trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn cải thiện con số này trong những năm tới. Con số kỳ vọng của doanh nghiệp FDI là 9% và 7,8% đối với các doanh nghiệp trong nước. Theo UNIDO, con số này cho thấy công tác dự báo thị trường của các doanh nghiệp FDI là tốt hơn.
Theo nghiên cứu của UNIDO, động lực chính thôi thúc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghiệp Việt Nam là sự ổn định chính trị, khai thác thị trường và nguồn nhân công rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ dần nhận ra những khó khăn do thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa phần nào bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế. “Có những lợi thế cách đây 5 năm nhưng bây giờ chưa chắc đã còn đối với Việt Nam”, Tiến sĩ Brian Portelli, chuyên gia của UNIDO nhận định.
Việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi khi mà 8% doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam với mức vốn là21,7 triệu USD, trong khi đó doanh nghiệp trong nước là 30%.
Trong tương lai, một xu thế mới của đầu tư là việc đầu tư ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp. Cụ thể, có 10 doanh nghiệp trong nước và 12 doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các nước trong khu vực với mức vốn đầu tư lên tới 47 triệu USD (doanh nghiệp trong nước) và 8,9 triệu USD (FDI)..
Theo chuyên gia UNIDO, điểm tích cực của cuộc khảo sát là các doanh nghiệp FDI tỏ ra phấn khởi với những cải thiện về chất lượng hạ tầng, tính ổn định của nền kinh tế cũng như các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện tại các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm thông tin về môi trường kinh doanh từ các doanh nghiệp đồng hương đang hoạt động tại Việt Nam (60%) trong khi lượng tìm kiếm qua các kênh chính thống rất thấp, chỉ có 2% thông qua các đại diện ngoại giao và 6%thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng các cơ quan xúc tiến đầu tư cần nhìn nhận lại mình, biết mình đang ở đâu. Cần có những biện pháp và những thay đổi để giúp Việt Nam chuyển từ thu hút đầu tư thiên về số lượng sang chất lượng.
Các cơ quan thực hiện khảo sát đều nhận định, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần tăng cường kỹ năng quản lý cũng như xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, cũng cần phải quan tâm hơn nữa đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, từ đó tạo uy tín để thu hút thêm các nhà đầu tư mới./.