Trong đợt sát hạch chính thức đầu tiên về hệ thống tài chính Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo hệ thống này đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong bối cảnh giá bất động sản sụt giảm mạnh, lĩnh vực cho vay tư nhân bùng nổ và các khoản vay xấu gia tăng.
Theo tổ chức này, Chính phủ Trung Quốc cần tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng. Đồng thời, IMF kêu gọi Bắc Kinh nên nới lỏng việc kiểm soát đồng NDT và trao nhiều quyền quyết định hơn cho ngân hàng trung ương.
Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008, hoạt động cho vay phát triển quá mức đã khiến nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương tại Trung Quốc "ôm' khoản nợ khá lớn. Trước tình trạng đà tăng trưởng kinh tế yếu trong thời gian gần đây, cộng thêm sự rớt giá của bất động sản, các khoản nợ lớn này đang làm dấy lên lo sợ về nguy cơ vỡ nợ.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2010, khoản vay mượn của các chính quyền địa phương đã lên tới 10.700 tỷ NDT, tương đương 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm ngoái của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, với những nỗ lực kiểm soát tỷ lệ lạm phát và giá bất động sản của chính phủ, khoản vay mượn này đã giảm xuống khoảng 4.000 tỷ NDT.
IMF nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên cho phép các ngân hàng quốc doanh tự đưa ra các quyết định về hoạt động cho vay hơn là tuân theo chính sách của chính phủ. Tổ chức này cũng kêu gọi Bắc Kinh xác định tỷ lệ lãi suất dựa trên "cung, cầu" và sử dụng công cụ này hơn là kiểm soát tín dụng.
Bên cạnh đó, IMF cho rằng Bắc Kinh nên nới lỏng việc kiểm soát tiền tệ và trao quyền tự quyết cho PBoC cũng như các cơ quan giám sát khác để đưa hệ thống ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Sau đợt sát hạch, IMF cho biết hầu hết trong 17 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đều có khả năng chống đỡ các cú sốc tài chính. Song, giá bất động sản sụt giảm, sự thay đổi tỷ lệ lãi suất và tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu có thể tác động nghiêm trọng đến hệ thống tài chính của "người khổng lồ châu Á này"./.