(MPI Portal) - Ngày 14 – 15/11 tại thành phố Hạ Long đã diễn ra Hội nghị kiểm điểm chung tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA lần thứ 7 (JPPR VII) giữa tổ công tác ODA của Chính phủ và Nhóm 6 ngân hàng phát triển (NHPT) bao gồm: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Đức KfW (KfW), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện Nhóm 6 ngân hàng phát triển, và đại biểu từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
|
Đại diện Tổ công tác ODA của Chính phủ và Nhóm 6 ngân hàng phát triển
|
Tình hình thực hiện danh mục dự án của 6 NHPT và Chương trình hành động chung lần 2 (JAP 2) có nhiều cải thiện đáng kể
Đánh giá về danh mục vốn vay của 6 NHPT, mức cho vay của 6 NHPT tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2010. Từ giai đoạn đánh giá JPPR VI kết thúc vào năm 2008 đến cuối năm 2010, tổng cam kết mới của 6 NHPT lên tới 10 tỉ USD, tăng tổng giá trị viện trợ cam kết lên 36%. Khối lượng phân bổ vốn vay kém ưu đãi (LCL) của các ngân hàng cũng tăng đáng kể trong hai năm vừa qua trong khuôn khổ chiến lược đối tác ngân hàng. Danh mục các chương trình dự án đang hoạt động tăng đến mức kỷ lục trong năm 2010 từ 16,6 tỉ USD năm 2008 lên tới 23,6 tỉ USD năm 2010. Tăng trưởng tốc độ giải ngân vốn của 6 ngân hàng trong vòng hai năm qua rất ấn tượng, tăng khoảng 50/60% trong giai đoạn từ 2008 đến 2009/2010 so với mức tăng trưởng 35% đạt được trong hai năm trước. Mặc dù kết quả giải ngân đã tăng mạnh trong giai đoạn này, song tổng số vốn chưa giải ngân của cả 6 ngân hàng tính đến cuối năm 2010 vẫn lên đến trên 15,6 tỉ USD so với 12,8 tỉ USD tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó, khoảng 65% số vốn chưa giải ngân là vốn của các dự án thuộc ngành giao thông vận tài và năng lượng.
Mặc dù tình trạng chậm trễ trong giải ngân đã có những thay đổi tích cực, đáng chú ý là thời gian giải ngân 10% vốn vay đầu tiên đã giảm, Hội nghị cũng lưu ý tới việc duy trì tính bền vững của dự án do một số dự án không bố trí được nguồn vốn để thực hiện duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đã xây dựng trong hầu hết các dự án.
Đối với Chương trình hành động chung lần 2 (JAP 2), mục tiêu của Chương trình là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của 6 ngân hàng thông qua hành động phối hợp trong mười hai lĩnh vực đáng quan tâm. Cụ thể JAP 2 xoay quanh việc hài hoà hơn giữa Đề cương chi tiết Dự án (PDO) và Tài liệu Ý tưởng dự án (PCN), đưa vào áp dụng các nghiên cứu khả thi chung và Hành động chuẩn bị trước, cải thiện công tác đấu thầu, sửa đổi định mức chi, cải thiện công tác thanh toán, giải ngân và phân bổ vốn đối ứng, thêm vào đó là vấn đề về tái định cư và môi trường….
Về vấn đề phân bổ nguồn vốn và cơ chế cho vay lại
Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết vốn đối ứng rất quan trọng để thực hiện dự án (liên quan đến tái định cư và đền bù). ADB cũng đồng tình về hiện tượng phân bổ nguồn vốn bị chậm. Mặc dù vốn đối ứng đã được Chính phủ cam kết nhưng để khoản vốn này tới tay Ban Quản lý dự án thì chưa kịp thời. Đồng thời cũng xảy ra tình trạng không đồng nhất trong phân bổ vốn đối ứng ở Trung ương và địa phương.
Về các dự án cho vay lại, đại diện Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) kiến nghị rằng cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn về tiêu chí dự án cấp phát và dự án cho vay lại nhằm giúp các nhà đầu tư phân biệt rõ ràng hơn.
Đại diện AFD cho rằng cần quản lý tài chính chặt chẽ, và gắn việc gánh chịu rủi ro giữa Chính phủ và các cơ quan cho vay lại cuối cùng. Bên cạnh đó, cũng cần cân đối vai trò, nghĩa vụ của Chính phủ trong việc cấp vốn phát triển. Cho vay lại tạo cơ hội cho Chính phủ hỗ trợ các cơ quan vay lại cuối cùng, giúp các cơ quan này hoàn thiện khả năng quản lý tài chính.
Đối với vấn đề mở rộng cơ hội đầu tư cho các ngân hàng, đại diện JICA cho biết rất đồng thuận với ý kiến này, tuy nhiên ngành ngân hàng cần tái cơ cấu trong thời gian tới để hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Cần khuyến khích cạnh tranh hơn trong việc xác định ngân hàng trung gian và đồng thời tạo cơ hội ngang nhau cho các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân được tham gia làm ngân hàng cho vay lại trong các chương trình tín dụng trên cơ sở các ngân hàng tư nhân đã phát triển rất mạnh trong thập niên vừa qua.
|
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh
|
Đồng ý với ý kiến của AFD về vấn đề rủi ro trong quá trình triển khai dự án, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh nhấn mạnh những rủi ro khách quan sẽ do Nhà nước gánh chịu, còn những rủi ro chủ quan (về năng lực, thời gian xây dựng kéo dài….) thì thuộc về các đơn vị cho vay lại.
Một vấn đề còn quan ngại trong buổi thảo luận là vấn đề rủi ro về sự khác biệt tiền tệ. Đối với các dự án phát triển rất hiếm khi tạo được nguồn thu bằng đô la mà hầu hết nguồn thu dự án là bằng đồng Việt Nam, trong khi Chính phủ lại vay vốn bằng đô la. Trong nhiều dự án cho vay lại bằng vốn của các nhà tài trợ (JICA, KEXIM, KfW, AFD), các bên vay lại nhận vốn vay bằng ngoại tệ và thanh toán bằng tiền đồng quy đổi sang ngoại tệ theo tỉ giá đã quy định trong hiệp định vay hoặc theo hướng dẫn trong các văn bản pháp lý hiện hành. Các cuộc trao đổi đã cho thấy rằng tỉ giá là một rủi ro lớn khi cho vay lại, đặc biệt trong tình hình kinh tế có nhiều biến động hiện nay. Sự khác biệt tiền tệ này đặt ra câu hỏi rằng ai sẽ chịu rủi ro về giá trị tiền tệ.
Về dự thảo sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP
Nhiều đại biểu đồng thuận với ý kiến đơn giản hoá Đề cương chi tiết dự án (PDO) và vấn đề phân cấp đầu tư hợp lý hơn. Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho ý kiến rằng cần có cách tiếp cận mới trong quản lý Nhà nước về ODA. Thời gian từ khi hình thành cho đến quá trình phê duyệt dự án còn mất nhiều thời gian mà hai nguyên nhân chính cho tình trạng này là do còn nặng nề cơ chế xin-cho, thứ hai là tính chịu trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án chưa rõ ràng. Cùng với vấn đề này, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị rằng cần tăng cường tính chủ động của các địa phương. Tuy nhiên, trái với ý kiến chung về việc đơn giản hoá PDO, đại diện của Bộ Tài chính cho biết, một số PDO còn sơ sài vắn tắt, nội dung chưa thuyết phục, thiếu thông tin về cơ chế tài chính tức là phân định trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương về đóng góp vốn đối ứng. Nếu coi PDO tươngđương vớiđề cương tổng quát (Concept Notes) của các nhà tài trợ thì tầm quan trọng của PDO bị coi nhẹ.
Cũng trong nội dung về dự thảo sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP, đại diện từ Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 đã có những kiến nghị về việc hoàn thiện quy trình thuê Ban QLDA bên ngoài. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần có cơ chế tài chính riêng cho các Ban QLDA đi làm tư vấn cho các dự án do tính chất công việc khác nhau. Về vấn đề Ban QLDA, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) lo ngạinăng lực đấu thầu ở địa phương còn thấp, nhưng cán bộ địa phương sau khi được đào tạo nâng cao trình độ thì lại xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”. Do đó, cần có những Ban QLDA chuyên nghiệp có khả năng kết nối Chính phủ VIệt Nam với các nhà tài trợ do sự khác nhau về Luật Đấu thầu của các bên.
|
Toàn cảnh hội nghị
|
Định hướng tương lai của Hội nghị kiểm điểm chung tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA (JPPR).
Ông Rory O’Sullivan, Chuyên gia tư vấn của Nhóm 6 ngân hàng phát triển cho rằng trong tương lai, cần tiến hành các phân tích theo ngành nhằm trao đổi với Chính phủ và các Ban QLDA nhằm giải quyết tốt các vấn đề của ngành. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng cần tập trung đánh giá những dự án có nhiều vấn đề, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho những dự án tiếp theo.
Đại diện JICA lại chú trọng vào việc phát triển quan hệ hợp tác giữa các bên tham gia dự án một cách có hiệu quả. Năm 2012 là một năm quan trọng để huy động vốn và tiến hành thuận lợi các kế hoạch phát triển quốc gia. Một vấn đề nữa mà đại diện JICA bày tỏ sự quan tâm là vấn đề nâng cao năng lực tự chủ của các ban ngành địa phương thông qua tổ chức đào tạo, tham vấn và phát triển nguồn nhân lực. Tầm quan trọng của công tác nâng cao năng lực các đơn vị tham gia dự án cũng được nhấn mạnh nhằm thực hiện có hiệu quả đầu tư công và các dự án phát triển.
Đại diện ADB cho hay vấn đề phân cấp cần đi đôi với phát triển nâng cao năng lực, nâng cao sự đồng thuận giữa Trung ương và địa phương. Ngoài ra, cần tạo thêm cơ hội chia sẻ về những thành công và thất bại của các dự án, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu./.
Lê Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ kế hoạch và Đầu tư