Ngày 24/4, các tổ chức phát triển quốc tế đã cảnh báo cuộc chạy đua của các nhà đầu tư nước ngoài thuê hoặc mua đất với diện tích lớn kỷ lục tiếp tục được đẩy nhanh, đặc biệt trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây, khiến các nước đang phát triển có nguy cơ mất đất sản xuất nông nghiệp.
Hiện trạng này là hậu quả trực tiếp của chính sách tư nhân hóa và tự do hóa kinh tế mà các thể chế tài chính quốc tế áp đặt đối với các nước đang phát triển như là một điều kiện vay vốn.
Tổ chức Liên minh đất quốc tế (ILC) công bố một nghiên cứu cho biết từ năm 2000 đến năm 2010, khoảng 203 triệu hécta đất nông nghiệp trên thế giới đã bị các nhà đầu tư nước ngoài thuê hoặc mua không chỉ ở các nước đang phát triển ở châu Phi mà cả ở châu Á, Mỹ Latin và Đông Âu.
Tổ chức Hành động quốc tế về nguồn gien (GRAIN) cho biết 35 triệu hécta đất nông nghiệp ở 66 nước đang phát triển trên thế giới, chủ yếu là ở châu Phi, đã được trao cho các nhà đầu tư nước ngoài trong 416 hợp đồng bán và cho thuê đất.
Diện tích này rộng gấp 8 lần diện tích nước Anh và hầu hết được sử dụng để trồng các cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học.
ILC và GRAIN nhấn mạnh mặc dù phải trải qua nạn đói nhiều thập kỷ do xung đột hoặc hạn hán nhưng các nước nghèo và đang phát triển đã bán hoặc cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê các vùng đất rộng lớn và phì nhiêu nhất.
Một công ty Ấn Độ đã thuê 300.000 ha đất màu mỡ với giá 1 USD cho mỗi hécta trong 1 năm ở Ethopia để sản xuất lúa mì, dầu cọ, đường cho các nhu cầu tiêu dùng ở Ấn Độ. Trong khi đó người dân Ethopia hầu như không được hưởng lợi ích nào từ hợp đồng thuê đất này.
Công ty Al Qudra Holding của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã hợp đồng mua 31.000 ha đất để sản xuất nông nghiệp xuất khẩu và đang dự kiến mua 400.000 ha đất ở các nước đang phát triển khác của châu Á.
Các quỹ tài sản chủ quyền và các công ty cổ phần quản lý dự trữ ngoại tệ của các nước đang phát triển hàng đầu cũng đầu tư ồ ạt vào mua hoặc thuê đất ở các nước nghèo để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực.
Vào năm 2015, tổng đầu tư của các quỹ này vào mua hoặc thuê đất dự kiến có thể tăng gấp đôi so với mức 15 tỷ USD hiện nay.
Giám đốc ILC, Madiodio Niasse, nêu rõ rằng bùng nổ sử dụng nhiên liệu sinh học là động lực chủ yếu đẩy nhanh cuộc chạy đua mua hoặc thuê đất nông nghiệp của các nước nghèo đang phát triển.
78% diện tích đất thuê hoặc mua là để trồng cây nông nghiệp trong số diện tích trồng cây nông nghiệp này thì 75% trồng cây nguyên liệu nhiên liệu sinh học, 22% diện tích đất thuê hoặc mua dành cho nhu cầu khai thác mỏ, công nghiệp, du lịch và khai thác rừng.
Các tổ chức phát triển quốc tế nêu rõ chính phủ các nước nghèo có nhiều lựa chọn mô hình đầu tư không nhất thiết phải thông qua bán hoặc cho thuê đất đai với diện tích lớn.
Chính phủ các nước châu Phi cần phát triển chiến lược phát triển nông thôn phù hợp, trước hết phải phục vụ các ưu tiên lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân.
Một mô hình nông nghiệp hiệu quả hơn thay thế khuôn khổ nông công nghiệp hiện hành cần được phát triển cho các nước nghèo ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.
Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp phải dựa trên mô hình nông nghiệp mới này nhằm hỗ trợ nông dân địa phương các phương pháp nông nghiệp bền vững hiện đại, cung cấp cơ sở hạ tầng cho thuỷ lợi, vận tải, kho bãi, và đầu vào kỹ thuật./.