Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/04/2012-09:53:00 AM
Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Lào
(MPI Portal) - Ngày 25/4 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) đã phối hợp tổ chức Chương trình Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Lào.

Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Lào. Ảnh: Phương Linh

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Đồng chí Pany Yathoutou, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam, Trưởng phân ban hợp tác KT-KH-KT Việt Nam – Lào; đồng chí Somsavat Lengsavad, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào, Trưởng phân ban hợp tác KT-KH-KT Lào – Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ hai nước cùng đại diện 64 doanh nghiệp Việt Nam, Lào.
Đây là diễn đàn để các cơ quan chức năng của Lào giới thiệu tiềm năng; cơ chế, chính sách và các dự án đầu tư cụ thể tại Lào; cũng đồng thời là cơ hội để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam và Lào trao đổi, hợp tác đầu tư, kinh doanh với đại diện hai Chính phủ. Tọa đàm cũng nhằm mục đích nâng cao vai trò quản lý nhà nước với hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Lào; rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện và hoạt động của một số dự án lớn và quan trọng của Việt Nam tại Lào. Cũng nhân đây, các doanh nghiệp báo cáo kết quả hợp tác đầu tư với Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ hai nước thời gian qua; cùng trao đổi, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Qua đó, Tọa đàm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và hai Chính phủ Việt Nam và Lào, thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai nước có định hướng và hiệu quả.
Trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại ở trong nước, nhưng hoạt động đầu tư của các Doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tiếp tục đạt được kết quả cao cả về số dự án, vốn đầu tư đăng ký cũng như việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tính đến nay, Việt Nam có 206 dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng số đầu tư đăng ký đạt trên 3,4 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam hiện đúng vị trí thứ 3 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động trực tiếp tại Lào.
Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào, tại buổi tọa đàm, ông Trần Bắc Hà, đại diện AVIL đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam và Lào một số kiến nghị: trước hết là về việc xem xét Đề cương kết nối 2 nền kinh tế Việt Nam – Lào; rà soát một số Hiệp định không còn phù hợp hoặc đã hết thời gian hiệu lực để điều chỉnh bổ sung và ký kết; cải cách rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới, thuế suất…; sớm thành lập Tổ công tác hỗn hợp về đầu tư của hai nước. Đối với Chính phủ Việt Nam, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào kiến nghị Bộ Công thương tạo điều kiện rút ngắn về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp; đồng thời các địa phương có biên giới tiếp giáp Lào cần tích cực chủ động tăng cường hợp tác giúp đỡ các tỉnh Lào. Đối với Chính phủ Lào, các doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên các dự án dọc tuyến biên giới hai nước và các dự án tại Bắc Lào do AVIL giới thiệu quảng bá; và kiến nghị về một số dự án cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi, ngân hàng,hàng khôngvà an sinh xã hội…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Somsavat Lengsavad, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào, Trưởng phân ban hợp tác KT-KH-KT Lào – Việt Nam rất hoan nghênh sáng kiến của AVIL về tổ chức buổi Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện thỏa thuận giữa 2 Bộ Chính trị và Hiệp định giữa 2 Chính phủ về đầu tư sang Lào. Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, tăng thu nhập ngân sách cho Lào. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhận định rằng, hai nước chưa có cơ chế hợp tác phù hợp, đặc biệt là hoạt động phối hợp, trao đổi chưa được liên tục. Hai nước cần phối hợp nhằm tạo điều kiện để hai Chính phủ, hai Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động hợp tác Việt Nam – Lào. Ngài Phó Thủ tướng cũng đồng thời kiến nghị phía Việt Nam tăng cường khảo sát cho phép các doanh nghiệp đủ năng lực triển khai dự án, tránh kéo dài tiến độ thực hiện dự án.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam, Trưởng phân ban hợp tác KT-KH-KT Việt Nam – Lào nhận định rằng trong thời gian qua hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển tương đối tốt, đã có sự phối hợp tốt giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư. Nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư giữa hai quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiến nghị tăng cường thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh; thúc đẩy đối thoại giữa hai Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh các hiệp định hợp tác; tạo cơ chế hài hòa và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư giữa hai nước; nên thúc đẩy đầu tư các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng, nông nghiệp, chế biến khoáng sản, cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng; tiếp tục phối hợp thông tin nhằm đẩy mạnh tiến độ các dự án; đề xuất Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan của Lào tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam về chính sách thuế, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ…; bên cạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, hai nước cũng cần đẩy mạnh đầu tư về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Tại buổiTọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty 15 Bộ Quốc phòng… đã có cơ hội bày tỏ những nguyện vọng lên Chính phủ, Quốc hội hai nước nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh của bản thân các doanh nghiệp này nói riêng và cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam và Lào nói chung.
Quốc hội, Chính phủ hai nước đều thể hiện sự đồng thuận về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hai nước năm 2012 đạt 1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với năm 2011. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tình hữu nghị đoàn kết anh em Việt Nam – Lào, thúc đẩy hợp tác tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1529
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)