Báo cáo số 46/BC-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa
I. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA UBND TỈNH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH
1. Những hoạt động nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong tháng 8/2011, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì 23 cuộc họp, hội nghị chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 10 cuộc họp với các Bộ, ngành Trung ương; dự 02 hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân chất độc da cam nhân tháng vì nạn nhân chất độc da cam… Một số hoạt động nổi bật trong tháng như:
- Ngày 10/8-11/8, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra và làm việc tại huyện Mường lát.
- Ngày 16/8/2011, Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng;
- Ngày 05/8/2011, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Đình Thọ làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Ngày 09/8/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền làm việc với đồng chí Phan Xuân Dũng, Uỷ viên TW Đảng, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề;
2. Tình hình thực hiện Chương trình công tác tháng 8 năm 2011.
- Theo chương trình công tác, dự kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2011, UBND xem xét, cho ý kiến 5 nội dung gồm:
+ Quy hoạch phát triển vùng luồng thâm canh tập trung giai đoạn 2011-2020;
+ Báo cáo rà soát, bổ sung, sửa đổi chính sách khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và thế giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, văn học - nghệ thuật theo Quyết định số 151/2007/QĐ-UBND ngày 05/01/2007 của UBND tỉnh;
+ Bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức;
+ Quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thị xã Bỉm Sơn; Đề án phát triển thị xã Bỉm Sơn thành Đô thị loại III;
+ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2011.
- Tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2011 UBND tỉnh đã xem xét và cho ý kiến đối với 5 nội dung gồm:
+ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2011;
+ Báo cáo rà soát, bổ sung, sửa đổi, bổ sung chính sách khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và thế giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học công nghệ và kỹ thuật, văn học - nghệ thuật theo Quyết định 151/2007/QĐ-UBND ngày 05/01/2007 của UBND tỉnh;
+ Báo cáo rà soát bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức;
+ Báo cáo Kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2012;
+ Báo cáo chương trình phát triển Thị xã Bỉm Sơn thành Đô thị loại III.
Như vậy có 04 nội dung UBND tỉnh đã xem xét, chỉ đạo theo đúng dự kiến; 01 nội dung phát sinh là báo cáo Kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2012; 01 nội dung sẽ xem xét sau là Quy hoạch phát triển vùng luồng thâm canh tập trung giai đoạn 2011-2020.
3. Ban hành văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ ngày 01/8 - 25/8/2011, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 885 văn bản. Trong đó có 311 quyết định, 03 Chỉ thị, 11 Thông báo kết luận, 560 văn bản hành chính khác. Một số văn bản đáng chú ý là:
- Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 15/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh chân tay miệng;
- Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 19/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức hội khoẻ phù đổng các cấp tiến tới hội khoẻ phù đổng toàn quốc lần thứ 8 năm 2012;
- Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 22/8/2011 của Chủ tịch UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá;
- Quyết định số 2772/QĐ-UBND ngày 24/8/2011 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2011 - 2015;
II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINHTHÁNG 8 NĂM 2011
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
- Tổng diện tích gieo trồng vụ thu mùa đạt 177,4 nghìn ha, vượt 1,1% so với kế hoạch và tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong đó: lúa 135 nghìn ha, vượt 2,3% so với kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ; ngô 16,9 nghìn ha, vượt 5% so với kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Nhìn chung, cây trồng sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2 làm một số diện tích phải cấy lại, muộn hơn khung thời vụ nên cây lúa phát triển chậm so với cùng kỳ; bên cạnh đó, đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa như: sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện tích gần 6.000 ha, mật độ trung bình từ 10 - 35 con/m2; rầy lưng trắng gây hại trên diện tích 690 ha, mật độ phổ biến từ 30 - 350 con/m2, có nơi lên đến 1.000 con/m2 tập trung ở các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thạch Thành...
- Do mưa sớm và đều trên toàn tỉnh nên công tác trồng rừng vụ thu tương đối thuận lợi; diện tích trồng rừng ước đạt 7.080 ha, bằng 88% kế hoạch, trong đó rừng phòng hộ 40 ha, rừng sản xuất 7.040 ha; diện tích cao su trồng mới đạt 787 ha, bằng 31,6% kế hoạch. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các địa phương thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra cháy rừng.
- Do ảnh hưởng của bão số 3 nên sản lượng khai thác thủy sản giảm so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 89,5 tỷ đồng, tăng 4,6%; sản lượng ước đạt 9.477 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 4,4%, khai thác tăng 4,6%. Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất ước đạt 677 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 72.000 tấn, bằng 67% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp và xây dựng.
- Về sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ước đạt 1.744 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và 17% so với cùng kỳ; các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ gồm: xi măng tăng 18%, clinker tăng 45%, đá xây dựng tăng 51%, điện sản xuất tăng 51%, giày thể thao gấp 2 lần, quần áo may sẵn tăng 33%...; các sản phẩm giảm so với cùng kỳ gồm: thủy sản đông lạnh giảm 42%, thuốc lá bao giảm 1,3%, quặng secpentin giảm 40%, thức ăn gia súc giảm 1,9%. Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.098 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch, tăng 18,8% so với cùng kỳ.
Trong tháng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 400 tỷ đồng; thành lập mới 96 doanh nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ, nâng số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đầu năm lên 789 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
- Về đầu tư xây dựng: Huy động vốn đầu tư xã hội tháng 8 ước đạt 3.405 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đầu năm đạt 22.689 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch và tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó: vốn ngân sách nhà nước tăng 18%, vốn tín dụng đầu tư tăng 17%, vốn doanh nghiệp nhà nước bằng 97%, vốn đầu tư nước ngoài tăng 11%, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác tăng 29%.
Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã có những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nên tình hình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực so với kế hoạch và cùng kỳ. Giá trị khối lượng thực hiện tháng 8 ước đạt 515 tỷ đồng, tính chung 8 tháng đạt 3.137 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ; giải ngân đến ngày 20/8 đạt 2.915 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân cao và khả năng giải ngân hết vốn trong tháng 10/2011 như: chương trình phát triển KT-XH các vùng (87%); hạ tầng du lịch (98%); đầu tư y tế tỉnh, huyện (99%); vốn TPCP lĩnh vực y tế (97%), TPCP lĩnh vực giáo dục (92%). Một số dự án có tiến độ thực hiện nhanh như: phân lũ, chậm lũ và nâng cấp CSHT sống chung với lũ; đê kè biển Hải Châu - Hải Ninh; các dự án thực hiện Nghị quyết 30a...
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của các dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là các dự án lớn như: Chính điện Lam Kinh, đường ngã ba Voi đi Sầm Sơn, đại lộ Nam Sông Mã, hệ thông tiêu kênh Than, đường 513 KKT Nghi Sơn; đường trục trung tâm - Đô thị Ngọc Lặc... Công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn ở một số dự án tại TP.Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương và Ngọc Lặc. Trong số 36 công trình được giao chuẩn bị đầu tư, đến nay vẫn còn 27 công trình chưa có dự án được duyệt; công tác lập và trình duyệt hồ sơ quyết toán vẫn còn chậm, nhất là các công trình, dự án phân cấp cho cấp huyện.
3. Dịch vụ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.639 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và 34,3% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 19.651 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch, tăng 31% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 14%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,88% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng rất cao (tháng 8/2010, CPI chỉ tăng 0,08%), trong số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng, có 4 nhóm hàng không tăng giá, các nhóm hàng khác tăng từ 0,03% đến 4,44%; tăng cao nhất là nhóm hàng giáo dục tăng 4,44%, tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,3%. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 13,83% (cả nước tăng 15,68%).
- Công tác quản lý thị trường tiếp tục được các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chủ động phòng ngừa những diễn biết bất thường về giá, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Trong tháng đã tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng xăng dầu, vận tải, thuốc tân dược, các mặt hàng phục vụ khai giảng năm học mới... Qua kiểm tra 426 vụ, phát hiện và xử lý 387 trường hợp vi phạm, thu ngân sách nhà nước 830 triệu đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 43,4 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu chính ngạch tăng 30,4%. Tính chung 8 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 303 triệu USD, bằng 66% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng khá so với cùng kỳ gồm: may mặc tăng 73%, đá ốp lát các loại tăng 19%, xi măng tăng 11%, giày thể thao các loại gấp 2,6 lần... Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 19,5 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dệt may, máy móc thiết bị và thuốc tân dược.
- Hoạt động du lịch trong tháng 8 sụt giảm so với tháng trước do thời tiết không thuận lợi và là cuối mùa du lịch biển, ngành du lịch ước đón 188 nghìn lượt khách, bằng 29% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, khách du lịch ước đạt 2,84 triệu lượt khách, tăng 13,5% so với cùng kỳ và bằng 93% kế hoạch; doanh thu ước đạt 1.234 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và bằng 82% kế hoạch.
- Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân; khối lượng vận tải ước đạt 1,3 triệu lượt khách và 2,67 triệu tấn hàng hóa, so với cùng kỳ tăng 20,7% về lượt khách và 16,9% về hàng hóa.
- Huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 31/8 ước đạt 19.945 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ; tổng dư nợ ước đạt 30.650 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 2.658 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ. Lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ vẫn duy trì ở mức cao, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, lãi suất huy động có kỳ hạn bằng VNĐ từ 12,5-14%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn là 20,5%, cho vay trung - dài hạn 21%. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của một số ngân hàng thì lãi suất huy động VNĐ từ 17 - 18,5%/ năm và cho vay từ 21 - 22,5%/ năm.
- Thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 302 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng ước đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và bằng 73% dự toán tỉnh giao, trong đó: thu nội địa 2.619 tỷ đồng, tăng 14%, thu xuất nhập khẩu 221 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Một số khoản thu có số thu tăng khá gồm: thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, phí xăng dầu, thuế thu nhập cá nhân... Chi ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 9.836 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.
4. Lĩnh vực văn hoá - xã hội.- Hoạt động văn hoá, thông tin, phát thanh truyền hình tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các ngày lễ lớn như: cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, 70 năm thành lập Chiến khu Ngọc Trạo, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ... Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được duy trì; đến nay, đã khai trương xây dựng 132 làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hoá, đạt 66% kế hoạch. Thể thao thành tích cao giành 27 huy chương (6 HCV) ở các giải quốc gia và quốc tế; Đội bóng đá giành huy chương đồng Cúp quốc gia và xếp thứ 7 chung cuộc giải vô địch quốc gia 2011.- Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 2010 - 2011, triển khai nhiệm vụ năm học 2011 - 2012 và chuẩn bị tốt các điều kiện cho ngày khai giảng năm học mới. Kết quả kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011, tỉnh ta có 57.882 thí sinh dự thi với điểm trung bình 3 môn là 11,08 điểm (cả nước 11,05 điểm), xếp thứ 19 trong cả nước và có 8 trường nằm trong tốp 200 trường có điểm thi cao nhất nước (tương đương kết quả năm 2010). Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, đến nay có 746 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 86 trường so với năm học trước.
- Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là bệnh tay chân miệng ở trẻ em; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp, đến ngày 22/8/2011, toàn tỉnh có 971 bệnh nhân mắc bệnh (tháng 8 phát hiện 362 ca) ở 25 huyện, thị xã, thành phố (2 huyện chưa phát hiện bệnh là Quan Hóa và Mường Lát). Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, qua thanh tra, kiểm tra 22 cơ sở sản xuất nước uống, 2 bếp ăn tập thể, đã đình chỉ 1 bếp ăn tập thể, xử phạt 1 cơ sở sản xuất nước uống không đạt tiêu chuẩn.
- Trong tháng, tạo việc làm mới cho 5.100 lao động, trong đó có 810 lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, đã tư vấn việc làm cho 942 lượt người, 109 người được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp.
5. Quốc phòng - an ninh.
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 72 cán bộ thuộc đối tượng 2; hoàn thành việc xây dựng kế hoạch B của tỉnh, báo cáo Bộ tư lệnh Quân khu 4 theo quy định.
- Công an tỉnh đã tăng cường công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, mở đợt cao điểm tấn công tội phạm cờ bạc, lô đề, sử dụng vũ khí nguy hiểm gây thương tích... đã điều tra làm rõ 187 vụ, 322 đối tượng phạm tội. Trong tháng 7, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực so với tháng trước, đã xảy ra 17 vụ tai nạn, làm chết 18 người và bị thương 10 người, giảm 23% về số vụ và 14% về số người chết.
III. TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÁNG 9 NĂM 2011.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung phòng chống sâu bệnh hại lúa, nhất là sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng; tập trung thu hoạch trà lúa mùa sớm và chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất vụ đông; tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, trồng cao su; thực hiện tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm; hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh đề án du nhập và phát triển bò thịt chất lượng cao. Đẩy mạnh hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi trồng vụ hè thu, chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tập trung mạnh mẽ cho công tác xây dựng nông thôn mới, tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo, ra quân phát động chương trình “chung sức xây dựng nông thôn mới”...
2. Sở Công thương phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để sớm khởi công các dự án như: nhà máy đạm Công Thanh, nhà máy sản xuất VLXD cao cấp, nhà máy sợi Polyester và một số nhà máy thủy điện. Chủ trì kiểm tra việc chấp hành giá bán điện của các tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn theo quy định của Chính phủ; hoàn thiện và báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng công nghệ và thiết bị ở các dự án đầu tư sản xuất xi măng, chế biến khoáng sản, thủy điện trên địa bàn.
Theo dõi sát sao diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh lúa gạo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm phục vụ Tết trung thu..., ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý làm rối loạn thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án thực hiện chậm, khả năng không giải ngân hết vốn cho các dự án thực hiện nhanh, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011.
4. Các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án phục vụ phòng chống lụt bão. Khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập phiếu giá để thanh toán hoàn ứng theo quy định; đồng thời hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giải ngân đối với các dự án có khối lượng thanh toán. Chủ động rà soát tiến độ thực hiện các dự án để đề xuất điều chuyển vốn của những dự án thực hiện chậm, khả năng không giải ngân hết vốn cho các dự án thực hiện nhanh, đã có khối lượng nhưng còn thiếu vốn. Hoàn tất các thủ tục để trình duyệt dự án đối với các dự án được giao chuẩn bị đầu tư năm 2011 nhưng chưa có dự án được duyệt.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác GPMB các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án lớn như: mở rộng quốc lộ 1A, QL 47, đại lộ Nam Sông Mã, đường ngã ba Voi đi Sầm Sơn, các dự án tại KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.
5. Năm 2012, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ rất khó khăn vì vậy các sở, ban, ngành, các cơ quan quản lý chương trình MTQG, các chủ đầu tư khẩn trương đấu mối, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ tối đa các nguồn vốn bổ sung kế hoạch năm 2011 và các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn TPCP trong kế hoạch năm 2012 (thời gian làm việc với các Bộ, ngành Trung ương tập trung vào nửa đầu tháng 9 năm 2011).
6. Sở Tài chính tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng ngân sách; kiên quyết không bổ sung các khoản chi ngoài dự toán, trừ trường hợp thực hiện chế độ chính sách, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc quyết liệt các đơn vị còn nợ đọng các nghĩa vụ tài chính khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất; các chủ đầu tư chậm trễ trong việc quyết toán công trình hoàn thành, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật.
7. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh tay chân miệng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 15/8/2011; phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, nhất là dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp; chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị để tiêu độc, khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức tốt lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Ngọc Trạo, lễ hội Lam Kinh năm 2011; khẩn trương hoàn thành Kế hoạch tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và kế hoạch đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế 40 năm thực hiện công ước di sản thế giới, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động nắm bắt tình hình đời sống nhân dân mùa mưa bão để có phương án cứu trợ kịp thời; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a.
8. Đẩy mạnhđấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng tại Thành phố Thanh Hoá và Khu kinh tế Nghi Sơn; theo dõi, nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng điểm. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch hành động tháng an toàn giao thông; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn.
9. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2011 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, đơn vị mình báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.