Trong báo cáo ra ngày 1/9, Liên hợp quốc dự báo sản lượng công nghiệp toàn cầu năm 2011 sẽ giảm mạnh so với năm 2010 bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn cao của các nước đang phát triển.
|
Một dây chuyền lắp ráp xe tải tại Nhà máy của GM
|
Báo cáo trên cho biết sản lượng công nghiệp toàn cầu quý 2/2011 tăng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mức 7,4% của quý 1/2011.
Với xu hướng này, giá trị tăng thêm của công nghiệp toàn cầu (MVA) năm 2011 chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng của năm 2010 mặc dù các nước đang phát triển vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp tới 11,1% và MVA tăng tới 8,4% trong năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng của Mỹ, nước có sản lượng công nghiệp lớn nhất thế giới, trong quý 2/2011 chỉ đạt 4,4% so với mức 7% trong quý 1. Sản lượng công nghiệp cũng giảm mạnh ở các nước công nghiệp hàng đầu thế giới như Pháp, Anh, Italy và các nền kinh tế mới nổi quan trọng như Ấn Độ, Brazil, Mexico.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng dự báo tăng trưởng của các khu vực công nghiệp quan trọng trong năm 2011, theo đó khu vực sản xuất hàng tiêu dùng cơ bản (chế biến lương thực, đồ may mặc, giày dép) vẫn duy trì nhịp độ tăng cao ở các nước đang phát triển.
Khu vực chế tạo máy chuyên dụng và thiết bị văn phòng cũng duy trì tốc độ tăng nhanh ở các nước công nghiệp phát triển. Khu vực chế tạo phương tiện vận tải giảm mạnh do sản lượng chế tạo giảm nghiêm trọng ở Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân.
Trong khi đó, báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) về phát triển kinh tế châu Phi cảnh báo lục địa Đen không hy vọng thoát khỏi đói nghèo nếu các nước châu lục này không thúc đẩy các biện pháp thực tiễn, hiệu quả và được hoạch định tốt để tăng nhanh sản lượng công nghiệp chế tạo.
Hiện nay, châu Phi chỉ chiếm chưa đầy 1% sản lượng công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, UNCTAD cũng nhấn mạnh trong khi tập trung thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa phù hợp với thực tế mỗi nước, các nước châu Phi không được hy sinh lợi ích phát triển nông nghiệp và buộc nông nghiệp phải trả giá cho phát triển công nghiệp vì nông nghiệp vẫn là nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm, xóa đói nghèo trong thời gian ngắn và trung hạn ở châu Phi./.