(MPI Portal) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh, thay mặt Chính phủ Trung Quốc, đã ký Thỏa thuận Quy hoạch Phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.
|
Quang cảnh Lễ ký Thỏa thuận. Ảnh: Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Trao đổi với báo giới sau Lễ ký, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Thỏa thuận được ký kết là thành quả quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. “Mục tiêu chủ yếu của Thỏa thuận là tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung; đồng thời, làm phong phú thêm nội dung hợp tác, tạo lập phương thức hợp tác mới; nghiên cứu những biện pháp nhằm giảm bớt mức độ mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nước”.
Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên xác định 7 lĩnh vực hợp tác trọng điểm, bao gồm nông nghiệp và nghề cá; giao thông - vận tải; năng lượng; khoáng sản; công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ; dịch vụ và hợp tác Hai hành lang, Một vành đai kinh tế. Cụ thể, với giao thông - vận tải, 5 năm tới, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực, công nghệ tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế” cũng sẽ được chú trọng tăng cường hợp tác đầu tư… Trong khi đó, xác định hai nước có không gian hợp tác rộng rãi và tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực gia công chế tạo, hai nước sẽ thúc đẩy đầu tư lẫn nhau trong ngành chế tạo, khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực đầu tư sang nước kia.
Cũng theo Thỏa thuận, hợp tác “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế” là một bộ phận, cũng như một hình thức của hợp tác toàn diện hai nước Việt - Trung, đồng thời, cũng là một giải pháp quan trọng để hợp tác Việt - Trung đi vào chiều sâu. “Hai nước Việt - Trung sẽ áp dụng những biện pháp hiệu quả để tích cực thúc đẩy hợp tác toàn diện trong khuôn khổ Hai hành lang, Một vành đai kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết và một lần nữa khẳng định rằng, Thỏa thuận Quy hoạch Phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung có tính chất quan trọng, đặt nền móng cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Hai nước Việt - Trung có đủ điều kiện để mở rộng quy mô hợp tác, vì hai nước đều có nhu cầu tăng cường đầu tư, xuất nhập khẩu; hai nước đã có quan hệ truyền thống, quan hệ chính trị tốt”.
|
|
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến cuối tháng 7/2011, Trung Quốc (không tính đến Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) hiện có 805 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 4,15 tỷ USD, đứng thứ 14/92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Dự án lớn nhất của Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay là dự án thép Fuco tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD.Việt Nam hiện có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc, nhưng với tổng vốn đăng ký chỉ 13 triệu USD.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư hai chiều Việt - Trung còn thấp so với tiềm năng, lợi thế và mong muốn của cả hai bên. Các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân, chưa có nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế lớn. Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nên việc tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc là hết sức cần thiết. Cần tích cực tiếp cận và vận động các công ty và tập đoàn của Trung Quốc có thực lực về tài chính và kỹ thuật đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã liên tục trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, với năm 2010 đạt trên 27,3 tỷ USD; 8 tháng đầu năm trên 21,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Trung Quốc, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ thị trường này. Từng bước cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu mà hai nước đang hướng tới./.
Xuân Tiến - Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư