Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/12/2011-14:10:00 PM
Liên bang Nga coi FTA với Việt Nam là khâu đột phá ở ASEAN

Thương mại Việt Nam – Liên bang Nga dự báo sẽ tăng mạnh sau khi Liên bang Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa tháng 12 này và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan (Liên bang Nga, Belarus và Kazakhstan) dự kiến được ký kết vào năm 2012. Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công thương), trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư về vấn đề trên.
Giữa tháng 12/2011, Liên bang Nga sẽ gia nhập WTO, ông nhận định như thế nào về sự thay đổi quan hệ thương mại Việt Nam - Liên bang Nga sau sự kiện này?
Liên bang Nga và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống, lâu đời. Những năm gần đây, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga liên tục tăng trưởng. Năm 2010, giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,45 tỷ USD, trong đó hàng Việt Nam xuất khẩu vào Liên bang Nga đạt 1,11 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 9 tháng đầu năm 2011, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2010. Dự kiến năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 3 tỷ USD.
Sau khi Liên bang Nga gia nhập WTO, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước sẽ thuận lợi hơn, vì có nhiều điểm tương đồng về hành lang pháp lý, quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa… Sau này, khi FTA giữa hai bên được ký kết, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được dỡ bỏ, hàng hóa của Việt Nam vào Liên bang Nga càng thuận lợi hơn.
Việt Nam đã thống nhất khởi động đàm phán về FTA với liên minh thuế quan (Liên bang Nga, Belarus và Kazakhstan) vào giữa năm 2012. Quá trình chuẩn bị đàm phán đã thực hiện đến đâu?
Sau khi Liên bang Nga gia nhập WTO, Việt Nam và Liên bang Nga sẽ có điều kiện đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan, bởi nhân sự đàm phán WTO của Liên bang Nga chính là nhân sự phụ trách đàm phán FTA.
Tổ nghiên cứu chung của Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan đã hoàn thành 2 phần Báo cáo nghiên cứu tác động của FTA, phần cuối cùng sẽ thống nhất và kết thúc vào tháng 3/2012. Với quyết tâm cao của cả hai bên, khả năng hai bên sẽ khởi động đàm phán trong năm 2012. Phía Liên bang Nga thậm chí còn tham vọng sau khi hoàn tất ký kết FTA với Việt Nam, sẽ ký tiếp FTA với một số nước ASEAN. Liên bang Nga coi FTA với Việt Nam là khâu đột phá ở ASEAN, coi Việt Nam là cửa ngõ để Liên bang Nga tiếp cận thị trường ASEAN. Với Việt Nam, việc ký kết FTA không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại với Liên bang Nga và Liên minh thuế quan, mà còn là cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ (Liên bang Nga và 7 nước thuộc Liên Xô cũ vừa ký hiệp ước thành lập khu vực tự do thương mại).
Hiện cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có thuận lợi cho Việt Nam, thưa ông?
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên không cạnh tranh trực tiếp, chủ yếu là bổ sung nhau. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Liên bang Nga hàng nông sản, một số thiết bị điện, đồ gỗ, hàng nhu yếu phẩm… và nhập khẩu từ Liên bang Nga chủ yếu sắt, thép, phân bón, máy móc thiết bị, quặng kim loại. Đây cũng là điểm thuận lợi để hai bên đàm phán, ký kết FTA.
Liên bang Nga là thị trường rộng lớn và tương đối dễ tính, nhưng tại sao doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó tiếp cận?
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà doanh nghiệp các nước xuất khẩu vào Liên bang Nga đều gặp khó khăn. Hàng rào thuế quan của Liên bang Nga cao hơn so với các nước khác. Thủ tục hải quan và các biện pháp về kiểm tra chất lượng của Liên bang Nga cũng rất khắt khe, cách làm tương đối khác biệt so với các nước khác. Hy vọng rằng, sau khi gia nhập WTO, hải quan Liên bang Nga cũng phải tuân thủ quy chuẩn chung, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có những chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường Liên bang Nga?
Một mặt, chúng ta vẫn làm như hiện nay là tiến hành các hội thảo, hội chợ xuất khẩu sang Liên bang Nga. Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang hỗ trợ website thông tin trực tuyến về thị trường Liên bang Nga. Thuận lợi của Việt Nam là có nhiều người đi học ở Liên bang Nga về. Tuy nhiên, thị trường và thị hiếu của Liên bang Nga đã có nhiều điểm khác so với trước đây, do vậy, trong năm 2012, tôi cho rằng, cần phải tăng cường tham gia các hội chợ để tiếp tục tìm hiểu thông tin về thị trường này./.

Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1572
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)