Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 7-12 công bố sách Trắng về ngoại thương dài 35 trang nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố sách Trắng về ngoại thương.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 144 lần trong 32 năm
Sách Trắng cho biết trong 10 năm qua, tỷ lệ doanh số thương mại của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng từ mức 4,3% lên 10,4%.
Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2.970 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010, gấp 144 lần so với năm 1978, thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cải cách và mở cửa.
Theo ước tính của Bộ Thương mại, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt 8.000 tỉ đô la Mỹ trong năm năm tới.
Ngoại thương phát triển nhanh chóng không chỉ giúp củng cố tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà còn đóng góp cho kinh tế thế giới. Trong thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 11%. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc đạt trung bình 750 tỉ đô la Mỹ/năm trong 10 năm qua, tạo ra 14 triệu việc làm ở các nước đối tác.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho các nước kém phát triển từ năm 2008. Đến tháng 7-2010, Trung Quốc đã áp dụng thuế suất 0% cho 4.700 mặt hàng từ 36 nước kém phát triển nhất có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Toàn cầu hóa, phân chia lao động quốc tế tạo ra thặng dư
Sách Trắng ghi nhận thặng dư thương mại của Trung Quốc là kết quả của toàn cầu hóa và sự phân chia lao động quốc tế. Năm 2010, thặng dư thương mại về hàng hóa của Trung Quốc chiếm 6,1% tổng doanh số xuất nhập khẩu và 3,1% GDP.
Với sư dịch chuyển lao động ngành lắp ráp gia công chuyên sâu từ Nhật Bản, Singapore và các nước khác sang Trung Quốc, thặng dư thương mại của các nước này với Mỹ cũng đã chuyển qua Trung Quốc. Đó là lý do giải thích tại sao Trung Quốc thặng dư thương mại với Mỹ và châu Âu nhưng thâm hụt thương mại trong dài hạn với Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.
Sách Trắng lưu ý thặng dư thương mại về hàng hóa của Trung Quốc chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngành mậu dịch gia công. Năm ngoái, thặng dư thương mại từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đạt 124,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 68,4% tổng thặng dư thương mại về hàng hóa của Trung Quốc. Trong khi đó, một số nước phát triển còn hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao cho Trung Quốc, góp phần làm thặng dư thương mại Trung Quốc mở rộng.
Theo sách Trắng, chính phủ Trung Quốc đã thông qua một loạt chính sách để kiềm chế tăng trưởng thặng dư thương mại quá nóng gồm mở rộng nhu cầu nội địa, tăng cường nhập khẩu, điều chỉnh việc giảm thuế xuất khẩu, tái cấu trúc và nâng cấp mậu dịch gia công, cải cách cơ chế hối đoái đồng nhân dân tệ.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo thặng dư thương mại Trung Quốc sẽ đạt 161 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 20,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 24,7%.
Hướng đến cân bằng xuất nhập khẩu
Chính phủ Trung Quốc khẳng định không theo đuổi các chính sách nhằm tạo ra thặng dư thương mại lớn mà sẽ hướng đến cân bằng xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo đó, Trung Quốc sẽ hướng mô hình phát triển ngoại thương từ chỗ mở rộng sang chuyên sâu vì lợi thế chi phí rẻ của các ngành nghề xuất khẩu đã suy yếu mạnh khi chi phí lao động, giá cả nguyên liệu và năng lượng tăng lên. Trung Quốc sẽ đưa ra các điều chỉnh mới để đưa ngoại thương từ chỗ mở rộng về quy mô sang việc cải thiện lợi nhuận và chất lượng, từ chỗ phụ thuộc lợi thế chi phí thấp sang nâng cao tính cạnh tranh toàn diện.
Bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm là hai vấn đề cấp bách khác mà chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết trên con đường tăng trưởng bền vững. Sách Trắng nói Trung Quốc phải mất thời gian tương đối dài để chuyển thành nước xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao. Sách Trắng nhấn mạnh bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là bước đi cần thiết nếu Trung Quốc muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và xây dựng một đất nước sáng tạo.
Để giảm tổn hại môi trường, Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy giảm khí thải CO2 và bảo tồn năng lượng trong phát triển ngoại thương. Trung Quốc đã cắt bớt và thậm chí xóa bỏ nhiều chính sách giảm thuế cho một số ngành sản phẩm tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường từ năm 2004.
Cùng ngày, ông Wang Shouwen, giám đốc Vụ Ngoại thương của Bộ Thương mại, cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu sang các nước đang phát triển vì nhu cầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó phục hồi mạnh vào năm sau. Xuất khẩu của Trung Quốc đã chững lại trong hai tháng vừa qua vì nhu cầu toàn cầu yếu. Chi phí lao động gia tăng, đồng nhân dân tệ tăng giá và giá dầu tăng cũng ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu trong nước. Ông Wang cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc ngoại thương, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và phát triển, tạo ra nhiều kênh bán hàng cho các công ty./.