Các khó khăn kinh tế ở Tây Ban Nha đã và đang gây lo ngại thực sự cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bất chấp tuyên bố mới đây của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng hệ thống ngân hàng của nước này chưa tới mức cần phải nhờ đến sự cứu trợ của Liên minh châu Âu.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự lo ngại cho nền kinh tế Tây Ban Nha
|
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tờ “The Washington Post" số ra ngày 30/5 cho biết chuyến thăm bất ngờ mới đây của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Lael Brainard tới một số nước châu Âu phản ánh rõ những khó khăn cấp bách mà các nền kinh tế châu lục này đang phải đối mặt, đặc biệt là Tây Ban Nha. Các khó khăn kinh tế ngày càng nghiêm trọng đang đẩy Tây Ban Nha tiến gần hơn tới khả năng phải xin cầu viện quốc tế, dẫn đến nguy cơ gây bất ổn định nền kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ Tây Ban Nha - quốc gia lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), phải xin cứu trợ đang buộc các nhà lãnh đạo châu Âu đẩy nhanh hơn việc cân nhắc các quyết định. Một trong những việc làm cấp bách mà châu Âu có thể phải tính tới là mở các chiến dịch bán trái phiếu để tái bảo đảm với các nhà đầu tư về những khoản tiền mà họ dự định cho các chính phủ đang gặp khó khăn ở châu Âu (trong đó có Tây Ban Nha) vay.
Thông báo ngày 29/5 về chỉ số bán lẻ và xuất khẩu giảm mạnh cộng với việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đột ngột từ chức trước thời hạn một tháng càng phản ánh rõ tính chất dễ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Tây Ban Nha nói chung.
Theo tờ “The Washington Post,” Eurozone đã thành lập quỹ cứu trợ chung và có sẵn một loạt chương trình theo đó bơm hàng trăm tỷ USD dưới dạng cho vay lãi suất thấp để giúp Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, các biện pháp bơm tiền từ các nước giàu sang các nước gặp khó khăn này cho tới nay vẫn chưa xử lý được cuộc khủng hoảng.
Một nguy cơ lớn đang bao phủ lên Eurozone là khả năng Hy Lạp có thể phải rút ra khỏi khu vực này do bế tắc về chính trị kéo dài. Tình hình này, nếu xảy ra, các nhà đầu tư có thể sẽ rút hết tiền của họ ra khỏi toàn bộ 17 nước thuộc Eurozone, dẫn tới một hậu quả không thể nói trước được không chỉ đối với châu Âu mà toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Lãi suất các khoản vay của Tây Ban Nha trong tuần này đã tăng lên mức xấp xỉ 6,5%, trong khi lãi suất vay 6,0% đã bị coi là nguy hiểm xét về khả năng tái huy động vốn.
Trước tình hình này, đã có nhiều lời kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu phải nhanh chóng có hành động để chứng tỏ họ đang đứng sau để hỗ trợ cho Tây Ban Nha, giúp nước này ngăn chặn đà tăng nguy hiểm của tỷ lệ lãi suất các khoản vay, một trong những yếu tố đã từng đẩy Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha tới chỗ phải cần tới các gói cứu trợ từ bên ngoài./.