Tây Ban Nha đang rơi vào cuộc suy thoái ngày càng trầm trọng.
Theo các số liệu chính thức từ Văn phòng thống kê quốc gia Tây Ban Nha, mặc dù đã tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu và "thắt lưng buộc bụng," Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vẫn giảm 0,4% trong quý 2 năm nay, sau khi giảm 0,3% trong quý 1 và nếu dựa vào thống kê hàng năm, GDP của nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro (Eurozone) này giảm 1,3%, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trong ba tháng đầu năm 2012 là giảm 0,6%.
Như vậy, theo quy định của Hiệp ước tăng trưởng và ổn định Liên minh châu Âu (EU), kinh tế Tây Ban Nha đã rơi vào suy thoái do có hai quý tăng trưởng âm liên tục.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trên thực tế Tây Ban Nha đã bắt đầu rơi vào suy thoái từ năm 2011, chứ không phải đầu năm 2012.
Theo Văn phòng thống kê quốc gia, GDP của Tây Ban Nha đã trượt xuống mức âm từ quý 3 năm ngoái (chứ không phải đạt trên 0% như báo cáo trước đó) và trong quý cuối cùng của năm 2011, GDP của nước này tiếp tục giảm 0,5% (chứ không phải 0,3% như báo cáo).
Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy tháng Sáu vừa qua đã phải cầu viện gói cứu trợ ngân hàng trị giá 100 tỷ euro (124 tỷ USD), trong bối cảnh lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha tăng lên mức báo động (hơn 7%).
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) viện trợ bằng cách nối lại chương trình mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở. Song ECB cho biết chỉ hành động khi Madrid chấp nhận những điều kiện mới thông qua việc chính thức đề xuất cứu trợ từ quỹ cứu trợ khủng hoảng của các nước Eurozone.
Nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, chiều 28/8, Thủ tướng Rajoy đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy tại Madrid. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận về vấn đề khắc phục khủng hoảng.
Dự kiến, ông Rajoy sẽ gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande vào ngày 30/8 và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Madrid vào ngày 6/9./.