Nhu cầu đầu tư cho công nghệ môi trường của 16 ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam lên tới 7,6 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về công nghệ xanh mới đây, ông Đặng Văn Lợi, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, lượng nước thải các loại chưa được xử lý tại Việt Nam lên tới 1,5 tỷ m3, trong đó, nước thải của các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỷ m3.
Ông Lợi cho biết thêm, khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp có trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết các cơ sở vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên. Hiện có khoảng 90% doanh nghiệp trong số 500 doanh nghiệp sản xuất giấy trong cả nước không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.
Việt Nam đang rất quan tâm phát triển công nghiệp môi trường, với các chính sách ưu đãi, như hỗ trợ đất đai, vốn, miễn giảm thuế, phí đối với hoạt động môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường… Tại Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn 2025 cũng nêu rõ, Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua tín dụng để phát triển ngành công nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp này.
Hiện tại, Việt Nam có thể sản xuất các các loại máy móc xử lý rác và nước thải cũng như khí thải, kể cả công nghệ tái chế, nhưng đa phần là công nghệ lạc hậu và chỉ mang tính đơn lẻ.
Từ thực tế đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về công nghệ xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận, chia sẻ thông tin về nhu cầu và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Hàn Quốc đã từng đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà quản lý, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực môi trường có nhiều kinh nghiệm trong khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển công nghệ xanh…, nên việc tổ chức Diễn đàn nhằm thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Ông Hwang Byung Hyun, đại diện của Ngân hàng EXIMBank Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, ngân hàng này đã phê duyệt hỗ trợ nhiều dự án về môi trường tại nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đứng đầu danh sách, với 40 dự án. Theo đó, các dự án này được hưởng lãi suất linh hoạt, thời gian trả nợ đến 40 năm và ân hạn 15 năm.
Mới đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu một số công nghệ xử lý nước thải, chất thải đang được sử dụng ở Hàn Quốc, như sản xuất nước uống đóng chai sử dụng chuỗi thiết bị lọc từ nguồn nước mặt có độ đục cao; công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng…
Ông Kim Sun Min, Giám đốc Công ty Halla (Hàn Quốc) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để áp dụng và vận hành có hiệu quả công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng. “Chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để chuyển giao công nghệ này”, ông Kim cho biết./.