(MPI Portal) - Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 8 năm 2012, cả nước đã có 672 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,52 tỷ USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2011 và 244 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,95 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2011.
|
Dây chuyền sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Internet
|
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 8,47 tỷ USD, bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 281 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,74 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 8 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD, chiếm 20,4%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 124 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 377 triệu USD, chiếm 4,4%. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi; y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 198,6 triệu và 83,8 triệu USD.
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 1,84 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 12,4%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 972,8 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 922,9 triệu USD; 902,7 triệu USD và 413,1 triệu USD.
Nhật Bản (từ đầu năm đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đăng ký đầu tư vào Việt Nam) dẫn đầuvới tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,33 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Samoa đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 889,8 triệu USD, chiếm 10,5 % tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 654,7 triệu USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Singapore đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 523,2 triệu USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. British Virgin Islands đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 514,5 triệu USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Về vốn đầu tư thực hiện, trong 8 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,28 tỷ USD, bằng 99,7 % so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu khí) trong 8 tháng đầu năm 2012 dự kiến đạt 45,6 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 62,2% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính đến tháng 8 năm 2012 đạt 38,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 52,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 8 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 7 tỷ USD.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù có những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như những hạn chế nội tại của nền kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 tuy có suy giảm nhưng vốn thực hiện vẫn duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó các chỉ tiêu quan trọng của khu vực đầu tư nước ngoài như xuất, nhập khẩu, tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, lao động và thu nộp ngân sách vẫn đạt những kết quả khá khả quan./.
Quang Tùng
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư