Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/06/2012-08:54:00 AM
Họp thường niên kiểm điểm Thỏa thuận Quan hệ đối tác Phát triển (DPA) giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
(MPI Portal) - Ngày 01/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp thường niên kiểm điểm Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Phát triển (DPA) giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện Ủy ban Phát triển quốc tế (DFID) đồng chủ trì cuộc họp, cùng sự có mặt của bà Kate Harrisson, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ngoài ra, tham gia cuộc họp phía Việt Nam có đại diện các Bộ, ngành bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, Cục phòng chống HIV…; cùng với các chuyên gia thuộc DFID.

Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Kate Harrisson. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Đánh giá về quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Kate Harrisson đánh giá cao mối quan hệ hợp tác sâu sắc kể từ sau ký kết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Vương quốc Anh và Việt Nam đã có những hợp tác quan trọng trên các vấn đề toàn cầu trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ chú trọng vào xóa đói giảm nghèo, giáo dục tiểu học, phòng chống HIV/AIDS, phát triển bền vững…. Thông qua Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Phát triển giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, DFID cam kết sẽ viện trợ không hoàn cho Việt Nam khoản 70 triệu Bảng Anh.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Viết Khang. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Viết Khang đánh giá cao những hỗ trợ của Chính phủ Anh thúc đẩy các mục tiêu Thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Cuộc họp là cơ hội để kiểm điểm, đánh giá tiến độ DPA và các mục tiêu Thiên niên kỷ về thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thể chế, chống tham nhũng…; đồng thời thảo luận về các cơ hội, thách thức trong quá trình triển khai hợp tác giữa hai nước.

Trưởng đại diện Văn phòng DFID tại Việt Nam Fiona Lappin. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại cuộc họp, Bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện Văn phòng DFID tại Việt Nam cho biết DFID sẽ hỗ trợ tăng cường biến đổi khí hậu cho Việt Nam, thúc đẩy tăng cường giám sát, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình. DFID đã lên kế hoạch hành động cụ thể bao gồm cả cơ chế thiết kế và phê duyệt các chương trình mới, tập trung chủ yếu vào việc gia hạn các dự án giao thông, tăng cường năng lực quản lý và trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh quỹ chiến lược, vận dụng hỗ trợ của Chính phủ Anh, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai Mô hình đối tác công tư (PPP), thích ứng biến đổi khí hậu; cân nhắc việc hợp tác với khu vực tư nhân… Bà Fiona nhấn mạnh đến hoạt động theo dõi, đánh giá và giám sát nhằm đảm bảo những kết quả, số liệu chính xác, rõ ràng về quy trình và thời gian giải ngân cho các dự án, tránh gian lận, sử dụng vốn không hợp lý.
Về tình hình giải ngân của DFID tại Việt Nam, con số dự báo cho đến nay là khoảng 21 triệu Bảng Anh. Trọng tâm đầu tư mới của DFID tập trung chủ yếu vào PPP, tính minh bạch xã hội và chống tham nhũng…
Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Nhóm hoạt động về Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã có những báo cáo sơ bộ về tình hình triển khai và kết quả các chương trình hoạt động, tập trung vào 4 vấn đề chính bao gồm: giáo dục, phòng chống HIV/AIDS, giao thông nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Nhìn chung các thỏa thuận được ký kết đã triển khai tốt.
20% học sinh nghèo nhất đã hoàn thành phổ cập tiểu học tại 36 tỉnh có hỗ trợ theo Chương trình Bảo đảm chất lượng giáo dục tiểu học (SEQAP) đã được triển khai. Có ý kiến từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tiến độ giải ngân các dự án giáo dục của DFID còn chậm trễ do xây dựng DPA từ ban đầu cho các dự án này chưa hợp lý (yêu cầu tỷ lệ giải ngân 2 năm đầu đạt 17% là không hợp lý). Theo đó vị đại biểu này nhấn mạnh đề xuất chuyển giải ngân đến hết 2013 với hỗ trợ từ phía Bộ Tài chính, khảo sát kho bạc trung ương và địa phương và việc triển khai cụ thể của các nhà trường.
Tình hình thực hiện phòng chống HIV/AIDS đã có những kết quả tích cực, năm 2010 – 2012 đã khống chế được dịch và giảm tỷ lệ nhiễm mới. Thêm vào đó, Chính phủ đã có những cam kết ngân sách bền vững hơn cho mục tiêu phòng chống HIV/AIDS và chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa phòng chống HIV/AIDS.
Các dự án về giao thông nông thôn về cơ bản vẫn được triển khai tốt với khoản 30 triệu Bàng Anh viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên cũng tồn tại một số khó khăn liên quan đến sự không đồng nhất về hợp đồng ủy thác giữa Ngân hàng Thế giới và DFID.
Xóa đói giảm nghèo về cơ bản cũng cho những kết quả tích cực, chỉ số chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số đã giảm.
Phát triển thịnh vượng.
Phát triển thịnh vượng bao gồm 2 mục tiêu về phát triển kinh tế, sáng tạo của cải và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, thị phần đầu tư tư nhân tuy có giảm từ 36,1% năm 2010 xuống 35,2% năm 2011 do chính sách tiền tệ thắt chặt, tuy nhiên tỷ lệ đầu tư của khu vực này lại tăng 3,3%. Thu nhập của 20% bộ phận dân cư nghèo nhất đã tăng 7,7% từ năm 2008 đến 2010. Một số thách thức trông thấy là về giảm chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam từ 4,27 điểm xuống 4,24 điểm, rớt hạng từ 59 xuống 65 do những thách thức trong quản lý kinh tế vĩ mô và bội chi ngân sách cao. Các dự án trong mục tiêu phát triển kinh tế hiện cũng đang được triển khai tương đối thuận lợi.
Về mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, đã triển khai lồng ghép tăng trưởng các-bon thấp trong chiến lược quốc gia và ngành với các kế hoạch sử dụng năng lượng, phát triển nông thôn, kế hoạch phát triển quốc gia và địa phương. Dự thảo chiến lược tăng trưởng xanh dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2012. Chính phủ Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển chỉ số GDP xanh. Các Bộ, ngành trung ương đang triển khai các kế hoạch hành động, bao gồm các dự án về thích ứng và giảm nhẹ nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Hoạt động về thể chế.
Các hoạt động về thể chế xoay quanh vấn đề nhân quyền, quản trị và chống tham nhũng.
Báo cáo cũng chỉ rõ không có sự thay đổi rõ rệt nào đối với vấn đề quản trị của Việt Nam. Yếu nhất vẫn là mảng Quyền lực và Trách nhiệm giải trình, tiếp theo là Chất lượng Chính sách. Xu hướng không thay đổi từ năm 2005. Mảng yếu thứ ba là Kiểm soát tham nhũng. Các lĩnh vực phát triển mạnh hơn là ổn định chính trị, Hiệu quả Chính phủ và Nền tảng pháp lý.
Chống tham nhũng vẫn đang trong quá trình triển khai theo Chiến lược Chống tham nhũng quốc gia đến năm 2020, bao gồm xây dựng và báo cáo việc giám sát trực tiếp và khung đánh giá./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1435
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)