Trong tháng 8, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc đã tăng tốc lần đầu tiên trong vòng 5 tháng qua giữa lúc đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang chậm dần.
|
Quầy bán rau tại siêu thị ở huyện Tancheng, thành phố Linyi, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 9/6.
|
Điều này đang gây ra các khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ bình ổn kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và công tác điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong bối cảnh tình trạng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế nước này có thể kéo dài sang quý thứ 7 liên tiếp.
Áp lực lạm phát đang tăng
Trong thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang lớn dần. Trong quý II, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 7,6%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Đây là quý thứ 6 liên tiếp, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bị giảm. Chuyên gia Lu Ting của ngân hàng Bank of America ở Hong Kong dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ giảm còn 7,4% trong quý III.
Để đối phó với nguy cơ suy giảm tăng trưởng, kể từ cuối năm ngoái, PBOC đã liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn từ tháng 11/2011 đến tháng 5, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã 3 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, PBOC cũng 2 lần cắt giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi chuẩn vào các ngày 7/6 và 5/7. Đây là lần đầu tiên ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm các lãi suất này kể từ năm 2008.
Do chính sách tiền tệ được nới lỏng nên trong các tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng lên rõ rệt.
Theo PBOC, các khoản cho vay mới trong tháng 8 ở các ngân hàng thương mại Trung Quốc trong tháng 8 có tổng trị giá lên tới 703,9 tỷ NDT (khoảng 112 tỷ USD), tăng 163,8 tỷ NDT so với tháng trước đó.
“Các khoản cho vay mới tăng cao phù hợp với các biện pháp nới lỏng tiền tệ trước đó và việc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn các dự án,” chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Zhang Zhiwei của Công ty Chứng khoán Nomura nhận định.
“Điều này cho thấy Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ. Nó sẽ giúp nền kinh tế trong nước hồi phục.”
Tuy nhiên, mặt trái của việc nới lỏng chính sách tiền tệ đó là áp lực lạm phát gia tăng. Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 7.
Đáng chú ý, giá lương thực trong tháng 8 tăng tới 3,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% của tháng trước đó.
Không còn nhiều dư địa
Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đang suy giảm, trong những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường đầu tư công để tạo việc làm mới và vực dậy nền kinh tế.
Chỉ tính riêng hai ngày giữa tuần trước, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) đã thông qua 55 dự án đầu tư có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ NDT (khoảng 157,7 tỷ USD) để xây dựng các dự án đường cao tốc, cảng và đường sắt trên khắp Trung Quốc.
Trong số này, đáng chú ý có 25 dự án xây dựng đường sắt nội đô mới ở 18 thành phố, với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 800 tỷ NDT (126,98 tỷ USD), tương đương 1,7% GDP của Trung Quốc năm 2011.
Việc tăng cường các dự án hạ tầng cho thấy rằng “các số liệu kinh tế trong nửa cuối của năm nay có vẻ sẽ không cao,” nhà phân tích Vivian Liu của công ty chứng khoán Sinopac Securities Asia Ltd ở Thượng Hải bình luận. “Chính phủ đang phải dựa vào biện pháp tăng đầu tư cho tài sản cố định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.”
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cùng với những ảnh hưởng mang độ trễ của các biện pháp nới lỏng tiền tệ mà PBOC áp dụng gần đây, các động thái tăng cường đầu tư công của Trung Quốc sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2012. Điều này sẽ hạn chế khả năng thực thi các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ nước này.
Bắc Kinh “đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ do lạm phát sẽ tăng trở lại,” chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Joy Yang của công ty chứng khoán Mirae Asset Securities (HK) Ltd nói.
“Lạm phát chủ chốt đang tăng sẽ làm giảm khả năng nới lỏng tiền tệ đầy tham vọng và vào thời điểm này, một hành động chính sách sẽ cần phải được cân nhắc nhiều hơn về khía cạnh ngân sách.”
Theo ông Yang, người đã từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát có thể tăng lên tới 3,5% vào cuối năm nay và một đợt cắt giảm lãi suất nữa là “không được phép hoặc được mong chờ” cho dù nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này vẫn đang yếu.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Zhang Liqun của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (Chính phủ) cho rằng các nhà chức trách cần chú ý tới việc ngăn ngừa áp lực lạm phát gia tăng khi nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Ông cảnh báo “giá cả rất dễ tăng trở lại nhanh hơn so với điều chúng ta mong muốn nếu chúng ta không thận trọng”./.