Ngày 24/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2012 lên tới 90.334 tỷ yen (1.160 tỷ USD).
Điểm đáng chú ý là 49% ngân sách mới sẽ được lấy từ nguồn tiền trái phiếu, một con số được xem là kỷ lục từ trước đến nay.
Theo dự thảo ngân sách, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của nước này và biến Nhật Bản thành quốc gia ghi nhận mức nợ công lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
Dự thảo ngân sách mới cũng dự báo một thời kỳ khó khăn về tài chính đối với Nhật Bản, khi thu nhập từ thuế chỉ đạt trên 42.300 tỷ yen.
Trong khi đó, phí tổn vay mượn ước tính là gần 22.000 tỷ yen, tương đương 1/4 tổng ngân sách tài khóa mới và khoảng 51,8% thu nhập từ thuế.
Giới phân tích cho rằng ngân sách tài khóa mới của Nhật Bản giảm 2,2% so với ngân sách tài khóa hiện nay.
Tuy nhiên, báo chí địa phương khẳng định trên thực tế, đây là ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 96.000 tỷ yen, nếu tính cả một số kế hoạch quan trọng như tái thiết khu vực chịu tác động từ thảm họa kép động đất-sóng thần.
Tokyo dự định dành trên 3.700 tỷ yên cho kế hoạch khắc phục hậu quả thảm họa này, chưa kể gần 2.700 tỷ yen khác từ tiền phát hành trái phiếu cho mục đích tương tự.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi cho biết cả ngân sách dự thảo và kế hoạch vay mượn đều đã "chạm ngưỡng," đồng thời thừa nhận Nhật Bản cần tiến hành cải cách triệt để vấn đề thuế và ngân sách để duy trì các dịch vụ công cộng và khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thuế tiêu dùng để đáp ứng quỹ lương hưu đang ngày càng tăng do tỷ lệ người lao động giảm./.