Chủ tịch Hiệp hội các thương nhân nước ngoài Nhật Bản (JFTA), ông Noritada Ito vừa cho biết có ít nhất 23 công ty nước này dự định đầu tư vào ngành chế tạo của Indonesia để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước cũng như thị trường Nhật Bản.
Số công ty nói trên, trong đó hầu hết có quy mô trung bình, có kế hoạch sản xuất tại Indonesia nhiều loại hàng hoá, từ phụ tùng ôtô, đồ nội thất đến các sản phẩm thực phẩm như rong biển, nhằm tối đa hóa hiệu quả.
Ông Noritada Ito cho hay Nhật Bản có công nghệ tuyệt vời trong ngành chế tạo, nhưng chi phí lao động cao và đồng yen tăng giá so với nhiều đồng tiền khác khiến các công ty nước này gặp khó khăn khi sản xuất hàng hóa ở trong nước. Trong khi đó, Indonesia có rất nhiều lợi thế hấp dẫn đầu tư như thị trường nhân lực dồi dào, giá rẻ, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, xã hội ổn định...
Hiện Nhật Bản đã trở thành một trong năm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Indonesia, nhất là trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô.
Các "đại gia" ôtô Nhật như Toyota, Daihatsu và Mitsubishi, đang mở rộng các cơ sở sản xuất liên doanh với các đối tác địa phương ở Indonesia, đầu tư hàng trăm triệu USD để khai thác nhu cầu tiêu thụ ôtô đang tăng nhanh của nước này, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Ủy ban Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) cho biết trong nửa đầu năm nay, đầu tư từ các công ty Nhật Bản vào nước này đạt 1,13 tỷ USD trong 409 dự án. Trong cùng kỳ, xuất khẩu phi dầu khí từ Indonesia sang Nhật Bản đã giảm 1,93% xuống 10,44 tỷ USD.
Tổng vụ trưởng Phát triển xuất khẩu Bộ Thương mại Indonesia Gatot Prasetyo Adjie nói rằng đầu tư dự kiến từ các công ty Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Indonesia, không chỉ tới thị trường Nhật Bản mà cả các thị trường khác, trong đó có các nước Nam Mỹ, nơi có cộng đồng người gốc Nhật Bản rất đông, chẳng hạn như tới 3,5 triệu người chỉ tính riêng tại Brazil.
Ông Gatot Prasetyo Adjie cho biết phía Indonesia đang đề nghị hợp tác ba bên với Nhật Bản xây dựng kết nối các nhà xuất khẩu của Indonesia và Nhật Bản với cộng đồng người gốc Nhật Bản ở nước ngoài để thâm nhập vào các thị trường như Peru hay Brazil, trong khuôn khổ nỗ lực của chính phủ nước này đẩy mạnh đa dạng hóa và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, nhất là châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Ngoài ra Indonesia cũng đang cố gắng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi sóng thần năm ngoái, di dời các cơ sở sản xuất của họ đến Indonesia.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang các thị trường phi truyền thống Brazil, Colombia, Ecuador, Nam Phi, và Peru đã tăng 43,14% lên 3,56 tỷ USD.
Indonesia xuất khẩu chủ yếu khí thiên nhiên hóa lỏng, các sản phẩm dệt may, giày dép, giấy và các sản phẩm nông nghiệp sang Nhật Bản, và nhập khẩu trở lại các loại máy móc, phụ tùng thiết bị tự động, thiết bị điện tử từ đối tác thương mại lớn thứ hai này của mình./.