Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/01/2012-10:26:00 AM
Kinh tế thế giới năm 2012 đối mặt nhiều khó khăn

Nhu cầu hàng hóa sụt giảm, các khoản nợ đến hạn phải thanh toán cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu là những khó khăn mà kinh tế thế giới sẽ phải tìm cách “hóa giải” trong năm 2012.
Thị trường hàng hóa bất ổn
Bước vào năm 2012, triển vọng thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu thô đang bị “ám ảnh xấu” do các nguy cơ từ khủng hoảng kinh tế châu Âu khiến ngành sản xuất của nền kinh tế khu vực này thu hẹp.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa từ châu Âu sụt giảm khiến các nhà sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng buộc phải cắt giảm sản lượng và giảm nhu cầu nhiên liệu tiêu thụ cho sản xuất, trong đó có dầu thô.Tuy nhiên, bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc Iran cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị phương Tây cấm vận khiến giá dầu thô có thể tăng mạnh trong thời gian tới, vì lượng dầu thô của thế giới chuyên chở qua eo biển này rất lớn.
Không chỉ dầu thô mà một loạt những mặt hàng nhiên liệu khác như khí tự nhiên và than đốt và các nguyên vật liệu khác cũng sẽ bị đẩy tăng giá mạnh nếu cảnh báo của Iran trở thành hiện thực.
Các nhà phân tích của Barclays Capital tại Londondự đoán, giá dầu Brent trung bình trong năm 2012 sẽ ở khoảng 115 USD/thùng, vượt mức trung bình của năm 2011.
Nợ công lớn
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố số liệu về nợ công của 11 nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia, Anh, Canada, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đến hạn phải thanh toán (đáo hạn) trong năm 2012. Theo đó, số tiền này đã lên tới hơn 7.600 tỷ USD (năm 2011 là 7.400 tỷ USD).
Trong số này, Nhật Bản dẫn đầu về số nợ phải trả trong năm khoảng 3.000 tỷ USD, sau đó là Hoa Kỳ 2.800 tỷ USD.
Ngoài các khoản nợ khổng lồ nói trên, chính phủ các nước này còn phải đối diện với việc chi phí đi vay liên tục tăng nhanh, đặc biệt là Italia, do khủng hoảng nợ công diễn biến xấu khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Lãi suất trái phiếu kì hạn 10 năm của Italia đã vượt ngưỡng an toàn là 7%. Ở tình trạng tương tự, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế.
Trong một diễn biến khác,theo dự báo củanhiều nhà phân tích, năm 2012,các quỹ đầu cơ châu Á sẽ thu hẹp sau 1 năm tăng trưởng trì trệ, hiệu suất giảm và gặp khó khăn trong huy động vốn.
Theo số liệu của Eurekahedge(hãng chuyên nghiên cứu về các quỹ đầu tư), chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011 đã có 123 quỹ đầu cơ châu Á đóng cửa, so với con số 125 trong cả năm 2010.
Các quỹ đầu cơ châu Á đang suy yếu đáng kể khi hầu hết các nhà quản lý không mang lại thêm tiền cho doanh nghiệp hay cho giới đầu tư. Artradis Fund Management, một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất Singapore cũng đã phải đóng cửa, các nhà quản lý hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Theo Eurekahedge, các quỹ đầu cơ tại khu vực hiện quản lý 125 tỷ USD, thấp hơn mức đỉnh 176 tỷ USD trong năm 2007.
Trong khi đó, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (chỉ số chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản) giảm 17% trong cùng kỳ do lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu sẽ kéo theo suy thoái toàn cầu.
Kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc khó “khởi sắc”
Ngày 3/1, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ trong thời gian tới tăng không đáng kể. Trong năm 2012 và năm 2013, tăng trưởng GDP của nước này có thể phần nào giúp giảm bớt tình trạng ảm đạm trên thị trường lao động và tiêu dùng.
Tuy nhiên, FED cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục kéo dài và có khả năng duy trì ở mức cao trong năm 2012 và 2013 do các cơ hội việc làm tại các bang tiếp tục giảm, không có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng nhân viên. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng do sự tồn đọng lớn các tài sản thế chấp và tịch biên cũng như nhu cầu ít ỏi của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Còn tại Trung Quốc, nhận định về tình hình kinh tế trong nước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết điều kiện kinh doanh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể “tương đối khó khăn” trong quý đầu năm do nhu cầu từ bên ngoài suy yếu và chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.Vì vậy nước này có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết.
Một số nhà kinh tế cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm yêu cầu dự trữ trước Tết Nguyên đán sắp tới (ngày 23/1). Trung Quốc hiện đang chuyển sự tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng hơn là vấn đề lạm phát nhằm giảm thiểu tác động từ khủng hoảng nợ công châu Âu khiến nhu cầu xuất khẩu giảm sút.
Tập đoàn Nomura Holdings của Nhật Bản nhận định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2012 có thể chỉ còn 7,5% từ mức 9,1% của quý III/2011 do tăng trưởng chậm lại và chính phủ thắt chặt tín dụng./.
Nguyễn Vũ (tổng hợp)
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 813
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)