Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/04/2012-09:23:00 AM
Quy hoạch công nghiệp Vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia

Chiều 5/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai Đề án Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn 2010-2020 theo Tuyên bố chung Chính phủ 3 nước đã thông qua.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (năm 2004), Thủ tướng Chính phủ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đã ký Tuyên bố Viêng chăn về việc thiết lập Vùng tam giác phát triển gồm 4 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông), 3 tỉnh của Lào (Attapeu, Sêkông, Xalavan), 3 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Mondulkiri, Stung Treng) và phê chuẩn định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng để làm căn cứ xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư từ các nước thứ ba.
Đến năm 2009, 3 nước nhất trí bổ sung các địa phương Bình Phước (Việt Nam), Kratie (Campuchia), Champhasak (Lào), đưa tổng số các tỉnh nằm trong Vùng lên 13 tỉnh với tổng diện tích 114.125km2, dân số hơn 6,66 triệu người, chiếm 19,2% diện tích và 6,1% số dân 3 nước.
Thực hiện chủ trương hợp tác Chính phủ 3 nước, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án lấy ý kiến các Bộ, ngành trong nước, các cơ quan đầu mối của Lào và Campuchia về Quy hoạch phát triển công nghiệp của Vùng tam giác này, nhằm tạo tiền đề khai thác lợi thế tiềm năng thiên nhiên to lớn, phát triển nâng cao đời sống dân cư hiện đang có nhiều khó khăn ở khu vực.
Đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển với tốc độ cao để sau năm 2020, vùng này trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có trình độ cao, đưa mức thu nhập bình quân của người dân ở đây tối thiểu đạt mức bình quân tại từng nước, phấn đấu có một số ngành công nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới.
Đề án đề xuất các chương trình hợp tác phát triển công nghiệp chủ yếu của 3 nước trong giai đoạn quy hoạch, bao gồm vùng nguyên liệu bông, trồng rừng nguyên liệu, nhiên liệu sinh học, các dự án năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn chỉnh Đề án, trong đó, lưu ý cập nhật số liệu, thống kê của các địa phương, nêu các định hướng phát triển chính để thực hiện thành công chủ trương, thỏa thuận 3 Chính phủ đã đề ra./.
Nguyên Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1612
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)