(MPI Portal) - Sáng ngày 21/6, Hội thảo kết thúc dự án “Nâng cao Hiệu quả thị trường cho người nghèo, Giai đoạn 2 (M4P2)” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức. Được biết chương trình dự án được thực hiện trong vòng ba năm dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Dự án Nâng cao Hiệu quả thị trường cho người nghèo, Giai đoạn 2 (M4P2), được tài trợ bởi ADB và DFID. Ảnh minh họa: Internet
|
Tham dự Hội thảo có Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura, trưởng đại diện của DFID tại Việt Nam Fiona Lappin, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Viết Khang, đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan truyền thông.
Dự án Nâng cao Hiệu quả thị trường cho người nghèo, Giai đoạn 2, được tài trợ bởi ADB và DFID với mục tiêu tăng cường sự tham gia của người nghèo trong ba lĩnh vực: quan hệ công tư trong các dịch vụ hạ tầng, chuỗi giá trị, và việc làm trong khu vực tư nhân. M4P2 tập trung chủ yếu vào việc mang lại sự thay đổi có tính hệ thống bằng cách thay đổi những nhân tố khuyến khích mà thị trường Việt Nam tạo ra cho người tham gia, nhờ đó mà cải thiện hiệu quả và tính công bằng của thị trường đối với người nghèo.
Dự án được thực hiện bởi các công ty, từ các công ty tư nhân, công ty liên doanh, đến tập đoàn đa quốc gia và cả doanh nghiệp nhà nước, đã phản ánh được sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Quá trình thực hiện Dự án đã tạo ra các kênh hợp tác với các doanh nghiệp, được kiểm nghiệm thông qua 7 dự án sáng tạo của Quỹ Thách thức Việt Nam. Từ đó, giúp cho các thị trường tại nông thôn Việt Nam hoạt động tốt hơn và bình đẳng hơn đối với người nghèo tham gia thị trường. Các dự án điển hình như công nghệ trồng nấm giúp giảm nghèo, đến chè hữu cơ của đồng bào thiểu số, đến bò H’Mông có thể truy xuất nguồn gốc, sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm trong quá trình chế biến tinh bột sắn, cà phê ướt Robusta, bưởi tách múi và chuỗi cung ứng thủy sản cho chuỗi siêu thị quốc tế.
Tính đến nay, tổng số tiền tài trợ cho các Dự án là 3,71 triệu USD. Trong đó, từ Quỹ Thách thức là 1,26 triệu USD và đóng góp từ các doanh nghiệp tham gia là 2,45 triệu USD. Các dự án được ưu tiên thực hiện là những dự án có rủi ro cao nhưng có triển vọng thương mại, thử nghiệm những hệ thống chuỗi cung ứng mới và sáng tạo, và những dự án thành công đã tạo ra được những mô hình kinh doanh có khả năng ứng dụng và nhân rộng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tomoyuki Kimura cho biết, nghiên cứu hành động chính sách được thực hiện bằng cách thức mới thông qua việc kết nối thiết kế chính sách với những chính sách thí điểm có tính thực tế, để từ đó xây dựng được những chính sách định hướng theo nhu cầu tốt hơn. Cách thức tiếp cận mới yêu cầu các nhà nghiên cứu phải năng động hơn trong việc phối hợp với các bên liên quan lập kế hoạch và thực hiện những thay đổi, làm việc với những tác nhân thay đổi tại các cấp của chính phủ, bao gồm các cấp quận, tỉnh, và quốc gia.
Theo bà Fiona Lappin, ý tưởng quỹ thách thức được khởi nguồn từ Vương quốc Anh, và tương đối mới tại Việt Nam. Về cơ bản, Quỹ Thách thức Việt Nam nhằm vào một trong những điểm mạnh của khu vực tư nhân tại Việt Nam đó chính là khả năng sáng tạo và đầu tư vào những ý tưởng mới, sử dụng nó để tạo ra lợi ích cho người nghèo thông qua những mô hình kinh doanh có lợi nhuận và tác động xã hội lớn.
Những kết quả ban đầu cho thấy khoảng 16,900 người đã nhận được những tác động tích cực về thu nhập qua những dự án của Quỹ Thách thức Việt Nam, một hợp phần chính của dự án M4P2. Hơn 2,100 việc làm đã được tạo ra thông qua các dự án của Quỹ Thách thức. Những tác động gián tiếp được trông đợi sẽ lớn hơn nữa khi các mô hình mới thành công được tiếp tục nhân rộng.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Viết Khang. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Viết Khang đánh giá cao mục đích của dự án. Thông qua những dự án sáng tạo và những thay đổi chính sách nhìn thấy được, dự án M4P2 đã tạo thêm cơ hội cho người nghèo tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế, ví dụ như tại những địa phương như Cao Bằng và Quảng Trị. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn phát triển những hoạt động của dự án trong những năm tiếp sau, sử dụng dự án như là một hình mẫu mới để giúp đỡ những cộng đồng vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nghèo đói”, ông Khang nhấn mạnh.
Dự án M4P2 là nghiên cứu hành động chính sách, nhằm tạo ra những thay đổi chính sách tại các cấp quận, tỉnh, và quốc gia. Hợp phần này tập trung vào những điểm cản trở cộng đồng và doanh nghiệp khi tìm kiếm thực hiện những cơ hội để giúp người dân giảm nghèo. Hợp phần nhằm vào việc xây dựng chính sách từ những thí điểm thực tiễn, và từ đó có thể có những chính sách tốt hơn, được xây dựng dựa trên nhu cầu. Hợp phần có tổng số tiền tài trợ là 500 ngàn đô la Mỹ, được giải ngân cho 9 tổ chức nghiên cứu thực hiện dự án.
Dự án đã được thực hiện tại một số thị trường, và đã chứng tỏ được sự thành công. Khi thị trường mở rộng và phát triển sâu thêm, nó có thể là một cách thức mạnh mẽ nhất để giúp người nghèo thoát khỏi nghèo đói một cách bền vững./.
M4P2 tìm kiếm những cách thức để tạo ra những tác động tích cực đối với tăng trưởng và giảm nghèo, sử dụng những công cụ mới kích thích sự sáng tạo của cộng đồng kinh doanh, của các cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách. Dự án tăng cường sự tham gia của người nghèo vào những thị trường trong các chuỗi giá trị nông nghiệp, dịch vụ cơ sở hạ tầng và thị trường lao động.
M4P2 thực hiện vòng nghiên cứu hành động chính sách đầu tiên vào cuối năm 2009, tập trung vào: i) hợp đồng trong nông nghiệp, và ii) hỗ trợ những cải thiện trong hệ thống giáo dục và đào tạo dạy nghề (TVET). Những nghiên cứu đã giúp chính phủ thực hiện những thay đổi đối với nghị định về hợp đồng nông nghiệp, và đã chứng tỏ cách thức tổ chức mới để cải thiện chức năng của hệ thống giáo dục đào tạo dạy nghề đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, như tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án đã được thực hiện tại một số thị trường, và đã chứng tỏ được sự thành công. Khi thị trường mở rộng và phát triển sâu thêm, nó có thể là một cách thức mạnh mẽ nhất để giúp người nghèo thoát khỏi nghèo đói một cách bền vững.
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư