Ngày 12/4, Hội nghị Liên hợp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD) cho biết tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu năm 2011 đạt 1,66 nghìn tỷ USD, tăng 16% so với năm 2010, vượt qua mức tăng trước khủng hoảng, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 25% của năm đỉnh cao 2007.
Báo cáo “Giám sát các xu hướng đầu tư toàn cầu” của UNCTAD, cho biết trong khi dòng FDI từ các nước đang phát triển giảm 7% thì FDI từ các nước phát triển tăng tới 25%, vượt quá 1,2 nghìn tỷ USD với nguồn vốn FDI chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, UNCTAD nhấn mạnh dòng FDI toàn cầu tăng nhưng không trở thành nguồn đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, vì phần lớn nguồn FDI này là đầu tư mua bán và sáp nhập công ty xuyên biên giới, cũng như tăng nguồn dự trữ tiền mặt ở các chi nhánh nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia, đặc biệt là những công ty của Mỹ.
Dòng FDI từ các nước đang phát triển giảm từ mức 31% năm 2010 xuống 26% năm 2011, chủ yếu do FDI từ các nước Mỹ Latinh và Caribe giảm mạnh và nhịp độ tăng đầu tư từ các nước đang phát triển ở châu Á chậm lại.
Mặc dù vậy, dòng FDI từ các nước đang phát triển vẫn rất quan trọng, vì là đầu tư tăng năng lực sản xuất, và cũng đạt mức tăng cao thứ hai của nhiều năm qua.
UNCTAD nhận định FDI có triển vọng tiếp tục tăng trong năm 2012, chủ yếu do quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ, và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có dấu hiệu dịu đi.
Tuy vậy, UNCTAD vẫn thận trọng trong dự báo do tính chất mong manh của tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới, cũng như việc nhiều nền kinh tế châu Âu đang thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ./.