Các nhà đầu tư ngày 18/9 đã gây sức ép buộc Tây Ban Nha yêu cầu trợ giúp quốc tế trong bối cảnh lãi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha hiện đã leo lên trên 6%.
Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha tuy đã giảm nhẹ so với tháng trước, song vẫn ở mức 2,835% đối với loại kỳ hạn 12 tháng và 3,072% đối với kỳ hạn 18 tháng, khiến người ta ít hy vọng rằng Tây Ban Nha có thể tự mình thu xếp được tình hình tài chính mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
Tây Ban Nha đang ở tâm của cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng Eurozone nay đã bước sang năm thứ ba, và các nhà đầu tư đang lo ngại rằng Madrid không thể cắt giảm được khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của họ cũng như không thể kiểm soát được núi nợ ngày càng phình to.
Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chi 100 tỷ euro để cứu giúp hệ thống ngân hàng nước này, song giới đầu tư vẫn không tin rằng Tây Ban Nha có thể đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính của họ, cũng như sẽ tăng trưởng trở lại mà không cần đến các gói cứu trợ quốc tế.
Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria ngày 18/9 nói rằng chính phủ vẫn đang xem xét các điều khoản của gói cứu trợ châu Âu - điều kiện cho sự trợ giúp của ECB. Quan điểm này đã khiến các nhà đầu tư thất vọng và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã tăng lên khoảng 6,03% trước cuộc đấu giá ngày 18/9, so với mức 5,65% 10 ngày trước đó.
Theo các nhà phân tích, lỗ hổng tài khóa ngày càng nới rộng cùng sức ép gia tăng từ cộng đồng doanh nghiệp và các công ty xếp hạng tín dụng đang khiến Tây Ban Nha không có nhiều lựa chọn và có thể sẽ phải sớm yêu cầu xin sự trợ giúp của châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế nước này, ông Luis de Guindos tuần trước nói rằng vào ngày 28/9 tới, chính phủ có thể sẽ đưa ra một số biện pháp cải cách mới phù hợp với sự chỉ đạo của Ủy ban châu Âu (EC) để thúc đẩy tăng trưởng. Những giải pháp mới này được nhìn nhận là một động thái nhằm đáp ứng những yêu cầu của châu Âu trước khi Tây Ban Nha chính thức đưa ra yêu cầu trợ giúp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã thông qua các giải pháp kinh tế khắc khổ trị giá khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này từ nay tới cuối năm 2014 và đã miễn cưỡng giao quyền giám sát cho các giám sát viên từ ECB, EC và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việc giám sát này, theo các chuyên gia, là cần thiết để đảm bảo rằng Tây Ban Nha sẽ đáp ứng được các mục tiêu của họ, cũng như khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư.
Chất thêm vào những khó khăn của đất nước, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha - đang chờ đợi đợt cứu trợ đầu tiên từ chương trình trợ giúp 100 tỷ euro của châu Âu, lại đang phải đối mặt với sức ép gia tăng từ các khoản nợ xấu tăng lên các mức cao kỷ lục trong tháng Bảy, trong khi tiền gửi từ các doanh nghiệp trong nước và dân cư lại giảm mạnh.
Trong bối cảnh trên, Vua Tây Ban Nha Juan Carlos ngày 18/9 đã lên tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này. Trong bức thư đăng trên trang web hoàng gia www.casareal.es, ông viết: "Chúng ta chỉ có thể vượt qua những khó khăn hiện nay bằng việc chung tay hành động, cùng nhịp bước chung, hòa chung giọng nói và cùng hướng về một phía."
Tháng Bảy vừa qua, Vua Juan Carlos thông báo tiền lương của ông trong năm nay sẽ giảm khoảng 7% cùng với việc cắt giảm tiền lương chung đối với công nhân viên chức nhà nước./.