Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/09/2012-11:30:00 AM
Tăng cường xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

(MPI Portal) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 25/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Tadasi Okamura đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo phía Việt Nam có Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, đại diện các Bộ, ngành và các địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, tỉnh Nghệ An, Phú Thọ, thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Nhật bản có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Đoàn công tác thuộc JCCI, các doanh nghiệp Nhật Bản cùng các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đào Quang Thu đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Việt Nam – Nhật Bản. Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung ưu tiên vào ba lĩnh vực được xem là ba khâu đột phá có ý nghĩa then chốt quyết định tăng trưởng bền vững của Việt Nam là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thứ trưởng cho biết thêm, đến nay Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam với tổng giá trị khoảng 25 tỷ USD và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 8 năm 2012, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản đạt 28,3 tỷ USD vào 1.730 dự án. Hiện Nhật Bản đang dẫn đầu trong 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới không chỉ các tập đoàn lớn mà các doanh nghiệp vừa nhà nhỏ của Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao tiềm năng cũng như chất lượng của các dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản. Một trong những trọng tâm trong xúc tiến đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua là tập trung vào các đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp lớn lao vào nền kinh tế Nhật Bản trong những năm qua.
Chủ tịch JCCI Tadasi Okamura phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Chủ tịch JCCI Tadasi Okamura cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác đầu tư lâu đời và đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Chủ tịch đánh giá cao các mục tiêu Việt Nam đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Vì vậy, theo ông Tadasi Okamura đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong phát triển đầu tư ngành công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp phụ trợ.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam được xem là địa chỉ vàng về thu hút đầu tư. Vì vậy, thông qua Hội thảo này để thảo luận những vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam – Nhật Bản. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường đầu tư, hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp hai quốc gia tham gia đầu tư ở mỗi quốc gia. Chủ tịch Tadasi Okamura khẳng định, với mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài cùng với sự thay đổi chính sách thông thoáng của Việt Nam sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, cùng Việt Nam thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế đã đề ra.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Sự biến động kinh tế thế giới và khu vực đã tác động vào kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế năm 2012 và những năm tiếp theo.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Theo dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP trong năm 2012 đạt khoảng 6-6,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2012 GDP đạt được khoảng 4,38%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạn chế ở mức thấp nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD và nhập khẩu là 53,8 tỷ USD. Mục tiêu năm 2012, CPI dưới 10%, tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 13% và nhập khẩu tăng khoảng 10%.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong vòng 20 năm qua có nhiều biến động, trong những năm đầu con số về lĩnh vực đầu tư này vẫn còn khiêm tốn. Bắt đầu từ năm 2006-2007, Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Năm 2008, FDI đạt 71,3 tỷ USD, giải ngân khoảng 11,5 tỷ USD. Năm 2009, FDI đạt 23 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 tỷ USD. Năm 2010, vốn FDI khoảng 20 tỷ USD và giải ngân khoảng 11 tỷ USD. Năm 2011, vốn đăng ký 15,5 tỷ USD và vốn giải ngân 11 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2012 vốn đăng ký là gần 8,5 tỷ USD trong đó Nhật Bản chiếm 4,3 tỷ USD.
Tính theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam thì đứng đầu là Nhật Bản, thứ nhì là Hàn Quốc và thứ ba là Đài Loan. Việt Nam – Nhật Bản bắt đầu thiết lập mối quan hệ từ năm 1973, năm 2003 bắt đầu triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản và đến nay đang thực hiện Sáng kiến chung ở giai đoạn 4 tập trung vào 6 nhóm vấn đề và 70 tiểu nhóm vấn đề. Mỗi giai đoạn kết thúc đều đưa ra được những sáng kiến, văn bản nhằm hoàn thiện môi trường, cơ chế hợp tác đầu tư giữa hai nước. Việt Nam – Nhật Bản bắt đầu thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2006, đây là dấu mốc quan trọng đánh giá quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian qua được tăng đáng kể. Tính đến tháng 8 năm 2012 cơ cấu đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt trên 51%. Các lĩnh vực được tập trung chủ yếu là công nghiệp chế tạo, chiếm 81,3%. Đây là lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản đóng góp nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Lê Thanh Sơn cho biết: “Hải Phòng luôn có những chính sách thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài”. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Một phần quan trọng của Hội thảo là tham luận của một số địa phương về chính sách thu hút đầu tư, vị trí, điều kiện tự nhiên và những lợi thế so sánh, v.v... Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Lê Thanh Sơn cho biết, thành phố đã có nhiều biện pháp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Với vị trí địa lý có nhiều thuận lợi, là địa phương duy nhất ở Việt Nam vừa có cảng nước sâu vừa có sân bay quốc tế, Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hải Phòng đã tập trung vào phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN). Tính đến nay, Hải Phòng có 17 KCN với tổng diện tích hơn 10.000 ha, trong đó có 6 KCNđã đi vào hoạt động. Ngoài ra, ông Sơn cho biết thêm, Hải Phòng đang chuẩn bị các điều kiện về điện, nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Hải Phòng luôn xác định lợi nhuận của các nhà đầu tư cũng là lợi ích của Thành phố, vì vậy địa phương này luôn sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với các nhà đầu tư,đưa ra các chính sách về ưu đãi thuế, thuê mặt bằng và các ưu đãi khác. Đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng tăng đều trong thời gian qua, tính đến nay đã có 328 dự án đầu tư vào Thành phố với tổng giá trị 6,3 tỷ USD. Trong đó, có 88 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng giá trị 2,6 tỷ USD với những dự án lớn như sản xuất lốp xe, dược phẩm…
Với những lợi thế vốn có và những chính sách thông thoáng, Hải Phòng hy vọng các nhà đầu tư trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ thực hiện thêm nhiều dự án tại địa phương mình.
Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cũng đã trình bày những lợi thế về thu hút đầu tư tại địa phương này. Nghệ An xác định hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng là ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài lợi thế về địa lý, Nghệ An là địa phương có dân cư đông, trung tâm kinh tế văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ, địa hình phong phú và đa dạng, điều kiện đất đai bảo đảm phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy, đường không cũng là những nhân tố quan trọng cho các nhà đầu tư. Tính đến nay, có 32 dự án đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia với giá trị vốn đầu tư lớn và đã nhận được những kết quả tích cực. Riêng Nhật Bản có 4 dự án với tổng giá trị 1,1 tỷ USD cho các lĩnh vực khai thác đá trắng; kinh doanh hạ tầng; thép Kobelco; cảng Cửa Lò nước sâu.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đạt được những thành công nhất định tại các địa phương của Việt Nam trong đó có Nghệ An. Nghệ An luôn mở rộng sự hợp tác đầu tư với các nhà đầu nước ngoài trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Đến với Nghệ An các nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn và hiệu quả.
Các diễn giả Việt Nam tham dự Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Hội thảo đã được nhận được những ý kiến từ các nhà đầu tư Nhật Bản liên quan đến vấn đề lao động, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Về vấn đề lao động, đại diện Bộ Lao động và Thương binh xã hội cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế về lĩnh vực này tuy nhiên tay nghề chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua Chiến lược phát triển nhân lực.
Liên quan đến vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ, đại diện Bộ Công thương cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang xem công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu và được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp Việt Nam nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Cụ thể là khung pháp lý cho ngành này chưa đầy đủ để có thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.
Hội thảo là cơ hội quan trọng nhằm thúc đẩy làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản – Việt Nam cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ chế,chính sách và tiến tới các cơ hội đầu tư tại Việt Nam./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2043
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)