Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/01/2012-08:48:00 AM
Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Dự báo kinh tế 2012 - 2015
(MPI Portal) – Ngày 10/01/2012, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề Dự báo kinh tế 2012 - 2015. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các quỹ tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tọa Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Mục tiêu của Diễn đàn là nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam qua một năm và định hướng cho những năm tiếp theo; đưa ra thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với Việt Nam, trao đổi về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, … đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững, tiếp tục tìm kiếm lời giải tối ưu cho nền kinh tế đất nước.
Tại Diễn đàn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày tham luận những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.Theo ông Thiên, năm 2012 nhiệm vụ khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng, ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu với mục tiêu làm thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển lâu dài.
Tại Diễn đàn các diễn giả đã trình bày các tham luận: Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015; Quan sát kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa; Kinh tế thế giới 2011 - 2012 và những tác động tới Kinh tế Việt Nam; Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006 - 2011 và triển vọng 2012 - 2015.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Các đại biểu tham gia Diễn đàn đều nhận định, trong xu thế hiện nay, kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều biến động khó lường; kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, cùng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước, bởi vậy bài toán dự báo kinh tế ngày càng trở nên phức tạp. Bước vào năm 2012, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; khủng hoảng nợ công ở nhiều nước; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát cao tại hầu hết các quốc gia... tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm mạnh gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thách thức, rủi ro hệ thống ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh lạm phát cao, tăng trưởng trì trệ, sản xuất đình đốn, đây là thời điểm khó khăn để lựa chọn chính sách. Để ổn định nền kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự uyển chuyển linh hoạt trong điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách tiền tệ cần phải uyển chuyển về đối tượng, cung ứng tín dụng, cần uyển chuyển về thuế, phân bổ nguồn lực. Vấn đề điều hành lãi suất, xử lý về thanh khoản của ngân hàng cũng cần được quan tâm.
Theo ông Thành, giai đoạn 2012 – 2015, mục tiêu cơ bản đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển cân đối và hợp lý hơn giữa các vùng (dựa trên lợi thế của từng vùng, bổ sung có hiệu quả giữa các địa phương trong vùng). Tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP; sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hiện đại, có năng suất chất lượng cao. Nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hướng tới ba đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực (theo Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2020).
Dự báo giai đoạn 2012 - 2015, Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này ước đạt từ 6-6,5%/năm; lạm phát có thể dưới 10% trong năm 2012 và tiến tới giảm xuống còn khoảng 7% trong năm 2015;Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 12 - 13% so với năm 2011; nhập siêu 11,5 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 33,5 - 34% GDP; Dự kiến đến cuối năm 2012 nợ công khoảng 58,4% GDP; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%.
Theo Chính phủ, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế năm 2012: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chính phủ chủ trương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hàng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tại diễn đàn, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát trong năm 2012 phụ thuộc lớn vào công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Ông đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Kịch bản thứ nhất, có thể khắc phục được tình trang lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội kinh doanh và đầu tư, do vậy đạt được tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí cao hơn 6,5%, lạm phát chỉ một con số, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến tích cực, tạo tiền đề để những năm tiếp theo tăng trưởng cao hơn, có hiệu quả hơn và theo hướng bền vững; Kịch bản thứ hai, nếu chậm đổi mới nhanh chóng và đồng bộ thì nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến theo xu hướng tiêu cực tác động bất lợi tình hình kinh tế - xã hội của nước ta thì khó đạt được tăng trưởng kinh tế 5- 5,5%.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất vẫn đứng trước nhiều thách thức vì hiện nay, các ngân hàng thiếu thanh khoản nên không có tiền cho vay; nợ xấu còn rất lớn và không thể giải quyết trong một vài tháng, theo đó nguồn vốn quay trở lại ngân hàng rất ít, chi phí cho vay tăng lên. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp trong năm 2012 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi lãi suất chưa thể giảm xuống mức thấp như kỳ vọng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm nhất và cần thực hiện ngay trong quý I/2012 là ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Chính sách tiền tệ cần được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, có định hướng tập trung vào những ngành ưu tiên./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1627
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)