Theo một nghiên cứu của Văn phòng tư vấn Ernst & Young, niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế châu Phi đã cho phép thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lục địa đen tăng mạnh trong 10 năm qua.
Số lượng các dự án đã tăng từ 399 dự án năm 2003 lên 857 dự án năm 2011. Đầu tư nội khối cũng tăng cao, chiếm 17% tổng số vốn FDI tại châu Phi, chủ yếu đến từ các cường quốc khu vực như Kenya, Nigeria và Nam Phi.
Các nhà đầu tư nước ngoài chính vào thị trường châu Phi gồm ngân hàng Bồ Đào Nha Banco BPI, ngân hàng liên châu Phi Ecobank, ngân hàng Pháp BNP Paribas, tập đoàn Ấn Độ Tata Group, tập đoàn tin học Mỹ IBM, tập đoàn thực phẩm Nestlé, tập đoàn bia của Anh SABMiller.
Ajen Sita, quan chức phụ trách khu vực của Ernst & Young, cho biết: “Chúng tôi rất lạc quan về châu Phi. Người châu Phi ngày càng giàu lên, với sức mua toàn bộ châu lục lên tới 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, một thách thức lớn còn tồn tại đó là nạn tham nhũng. Mặc dù sức hút đầu tư của châu Phi được đánh giá tốt hơn các khu vực khác, châu Phi vẫn còn nhiều yếu tố kìm hãm cần vượt qua. Hiện toàn bộ lục địa thu hút các dự án đầu tư vẫn còn ít hơn Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi, nền kinh tế mạnh nhất châu Phi, được đánh giá là điểm đến ưa thích nhất đối với vốn FDI. Nam Phi thu hút 827 dự án mới trong giai đoạn 2003-2011, tiếp theo là Ai Cập, Morocco và Algeria.”
Các nền kinh tế mới nổi đang trở thành những đối tác hàng đầu của châu Phi, đóng góp từ 99 dự án năm 2003 lên 538 dự án năm 2011, so với 319 dự án đến từ các nền kinh tế phát triển. Ấn Độ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 4 vào châu Phi kể từ năm 2003, đứng sau Mỹ, Pháp và Anh.
Nếu Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất vẫn là các nhà đầu tư quan trọng thì Ernst & Young cũng đánh giá cao các nước như Hàn Quốc, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ernst & Young dự báo đầu tư FDI vào châu Phi tăng cao, sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2015, song trong năm 2011 chỉ thu hút 5% toàn bộ vốn FDI trên toàn cầu.
Trong dài hạn, các chuyên gia Ernst & Young cũng nêu ra 3 thách thức châu Phi cần vượt qua, gồm: “Cải thiện nhận thức về châu Phi, luôn bị coi là châu lục mất ổn định, tham nhũng và có nguy cơ rủi ro hơn các khu vực khác; tăng cường hội nhập khu vực; hoàn thiện sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng.”
Trong thập kỷ tới, kinh tế châu Phi được đánh giá sẽ đạt mức tăng trưởng triển vọng (từ 4-5%, chỉ sau châu Á). Từ nay đến năm 2015, trong số 10 nước năng động nhất châu Phi sẽ có 7 nước nằm ở châu Phi Nam Sahara, trong đó có Ethiopia, Mozambique và Tazania./.