Ban Thư ký Nhà nước về Kinh tế Thụy Sĩ (Seco) vừa đưa ra dự báo năm 2012, nền kinh tế Thụy Sĩ sẽ bước vào thời kỳ trì trệ với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.
Các nhà kinh tế thậm chí dự đoán kinh tế tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp bắt đầu ngay từ mùa Đông này.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là khu vực châu Âu - thị trường xuất khẩu chính của Thụy Sĩ, không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công.
Có những dấu hiệu cho thấy Pháp, Đức, và nhất là Anh, không tìm được tiếng nói chung về giải pháp đối phó với vấn đề này.
Câu hỏi thực sự lúc này là giai đoạn khó khăn sẽ kéo dài bao lâu và sẽ ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đến nền kinh tếThụy Sĩ.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã thực hiện các biện pháp mạnh trong nửa cuối năm 2011 để hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng giờ đây số phận của nền kinh tế dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Thụy Sĩ đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và suy thoái kinh tếtoàn cầu tương đối tốt nhờ vào thị trường nhà ở ổn định, tiêu thụ trong nước mạnh và mức nợ thấp.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện có những dấu hiệu tăng trưởng quá nóngđáng lo ngại, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu du lịch, trong khi người tiêu dùng bắt đầu "thắt lưng buộc bụng".
Trong khi đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ tài sản của họ vào đồng franc Thụy Sĩ tìm nơi trú ẩn an toàn đã làm đồng tiền Thụy Sĩ mạnh lên.
Đây cũng chính là nguyên nhân làm khốn đốn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Thụy Sĩ và làm chi phí du lịch đến xứ sở của đồng hồ đắt đỏ hơn, làm giảm đáng kểnguồn khách nước ngoài đến thăm Thụy Sĩ.
Áp lực của đồng tiền Thụy Sĩ, nhu cầu giảm đi của người tiêu dùng châu Âu - thịtrường của hơn 2/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Thụy Sĩ và chính sách tiết kiệm mà chính phủ các nước áp dụng, đang có dấu hiệu làm giảm sút nền kinh tế Thụy Sĩ.
Trong số những biện pháp chống đỡ mà Thụy Sĩ đang áp dụng có việc các công ty cốgắng mở rộng thị trường tại các nền kinh tế phát triển, như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Bên cạnh đó, SNB thiết lập mức trần tỷ giá là 1,2 phrăng Thuỵ Sĩ đổi 1 euro trong tháng 9/2011 và tuyên bố sẽ can thiệp mạnh tay vào thị trường tiền tệ nếu đồng tiền nước này tiếp tục vượt tầm kiểm soát.
Trong quý 3, Chính phủ Thụy Sĩ đã công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 870 triệu phrăng (930 triệu USD), chủ yếu nhằm bảo vệ việc làm. Theo thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Sĩ hiện nay là 3%.
Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 3,9% vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, Seco thừa nhận tỷ lệ này sẽ còn tệ hại hơn nếu vấn đề nợ công châu Âu gây nên cuộc khủng hoảng tín dụng và ngân hàng ở ngoài nước./.