Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/11/2011-14:40:00 PM
Pháp và Đức bất đồng về vai trò cứu trợ của ECB

Pháp và Đức hiện chưa nhất trí được về việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp để cứu Khu vực đồng euro (Eurozone) thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa nhấn chìm nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Bất đồng nổ ra xung quanh việc chi phí vay mượn của Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone, tăng lên hơn 7% (bằng mức lãi suất các khoản vay của Hy Lạp và Ireland từ các định chế tài chính quốc tế) trong vòng hơn một tuần kể từ khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Động thái này càng làm gia tăng áp lực đối với các chính phủ trong Eurozone.
Thủ tướng Đức Angela Merkel kiên quyết phản đối việc cho phép ECB hành động như một phương sách cuối cùng, cho rằng hành động này sẽ không hiệu quả, vì việc ECB mua trái phiếu với quy mô lớn của các nền kinh tế kiệt quệ trong Eurozone có thể sẽ thổi bùng lạm phát.
Ông Jens Weidmann, người đứng đầu ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, cảnh báo rằng sẽ có nhiều rủi ro lớn nếu để ECB can thiệp sâu vào kế hoạch cứu các nền kinh tế sụp đổ.
Trong khi đó, Pháp lại muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn của ECB, theo đó đề xuất ECB được phép bơm tiền cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ở mức không hạn chế.
Thủ tướng Pháp Francois Fillon khẳng định châu Âu vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn, vì vậy việc tạo ra một "công cụ bảo vệ" cho đồng tiền chung thông qua vai trò của ECB là cần thiết.
Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu diễn ra tại Paris (Pháp), Thủ tướng Đức và Pháp khẳng định sẽ sớm đưa ra đề xuất chung về cải cách các hiệp ước trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo rằng các nước thành viên trong Khu vực đồng euro tôn trọng triệt để các quy định về tài chính, tránh xảy ra sự bất đồng trong các lĩnh vực tài chính, kinh tế hay ngân sách giữa các nước Eurozone nói riêng và EU nói chung.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nhật báo "La Croix" (Pháp) ra ngày 22/11 có bài viết nêu lên 5 giải pháp cho châu lục già thoát khỏi khủng hoảng.
Theo báo trên, sự ổn định chính trị là yếu tố quan trọng đầu tiên để châu Âu thoát khỏi khó khăn. Hiện 3 nước Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha liên tục có những “động thái bất ngờ,” đặc biệt kể từ khi chính phủ các nước này có những thay đổi lớn.
Để đạt được ổn định, chính phủ mới của các nước này phải nhận được sự ủng hộ của người dân thông qua việc đạt được kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trong dài hạn.
Thứ hai, hạn chế nợ công trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của các nước châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Thứ ba là châu Âu phải có chính sách chung cho vấn đề phục hồi tăng trưởng.
Giải pháp thứ tư nhấn mạnh đến vai trò tối quan trọng của ECB, cho rằng ECB nên mua lại tất cả trái phiếu của những nước thuộc diện “yếu ớt” để hạn chế lãi suất cho vay tăng vọt.
Cuối cùng là Đức nên có thái độ đoàn kết hơn đối với các nước châu Âu đang lâm nguy. Cụ thể là nền kinh tế số một châu Âu này nên ủng hộ việc ECB mua lại nợ của các nước lâm nguy./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1127
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)