Chính phủ mới do Đảng Xã hội cầm quyền của Phápđang quyết tâm khôi phục sự tín nhiệm của dân chúng đối với việc quản lý ngân sách bằng cam kết sẽ đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách mà chưa cần áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
|
Trung tâm thương mại tại Paris
|
Tổng thống mới đắc cử của Pháp, Francois Hollande đã hứa hẹn rằng Chính phủ của ông sẽ tiếp tục thực thi cam kết của chính phủ tiền nhiệm trong cắt giảm thâm hụt ngân sách Pháp từ mức ước tính tương đương 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2012 xuống mức thâm hụt giới hạn trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu ÂU (EU) vào năm 2013.
Dù vậy nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng việc thực hiện các mục tiêu này là hết sức khó khăn, nếu Pháp không áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Pierre Moscovici nói: “Vẫn còn nhiều người tỏ ra hoài nghi trước tình trạng thâm hụt ngân sách của Pháp và tân Tổng thống Francois Hollande hoàn toàn nhận thức được điều này, việc cải thiện tình hình hiện tại là điều luôn khiến ông Hollande phải trăn trở.”
Mặc dù gánh vác khối nợ khổng lồ và liên tiếp chứng kiến thâm hụt ngân sách kể từ năm 1974, song mức lãi suất tiền vay của Pháp hiện vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục. Ông Moscovici cho biết Chính phủ Pháp sẽ trình bày các kế hoạch tại cuộc họp nội các sắp tới nhằm thảo luận về việc thiết lập một ngân hàng đầu tư công, có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 30/5 cảnh báo mục tiêu giảm bớt thâm hụt ngân sách xuống ở mức 3% GDP từ nay đến năm 2013 là một trong những thử thách lớn của Chính phủ Pháp, và nước này cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đó.
Theo EC, Chính phủ Pháp phải ngay lập tức tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, nếu không muốn bị chìm trong cuộc khủng hoảng đang tàn phá Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hai năm rưỡi qua.
EC cho rằng Chính phủ Pháp cần chú ý tập trung ổn định vấn đề ngân sách, cải cách hệ thống lương hưu, giảm tỷ lệ thất nghiệp, chú trọng xuất khẩu,... cũng như dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Kiềm chế được thâm hụt chi tiêu hiện nay là thách thức lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone này, trong bối cảnh EC đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Pháp năm 2012 sẽ không vượt qua được con số 0,5%.
EC lo ngại nạn thất nghiệp tại Pháp sẽ có tác động lâu dài về nguồn nhân lực, và cho rằng tình trạng không có việc làm của giới trẻ là rất đáng báo động.
Một thử thách chính khác là xuất khẩu của Pháp sụt giảm, không chỉ vì giá cả, mà còn vì tính cạnh tranh không cao.
Theo EC, tình trạng cán cân thương mại của Pháp bị thâm hụt kéo dài từ năm 2004 cho thấy tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp đang sa sút, nhất là khi so sánh với một số đối tác châu Âu khác./.