(MPI Portal) – Trong hai ngày 30 và 31/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2012 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01//NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các giải pháp tập trung vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả.
Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7/2012 xuất siêu 100 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Trong 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012, tháng 7/2012 giảm 0,29% so với tháng trước. Tuy vậy, so với tháng 12/2011, CPI vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.
Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/7/2012 ước đạt 49% dự toán và chi NSNN ước đạt 50,3% dự toán.
Từ đầu năm đến 20/7/2012, cả nước có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy đạt được những kết quả khá toàn diện như trên nhưng tình hình kinh tế -xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng +0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ, điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển còn chậm.
Trong những tháng cuối năm 2012, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giữ vững an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Chính phủ yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình Đề án đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Thực hiện điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, Tổng công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong ngành nghề chính của doanh nghiệp.
Chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong đó, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng chịu thiên tai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tại phiên họp lần này, Chính phủ đã thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trên cơ sở của Nghị định này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Nghị định về quản lý tài chính, quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp; cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư