Ngày 12/3, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã khẳng định trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên đang đe dọa hành tinh do biến đổi khí hậu, phát triển một nền kinh tế xanh là chìa khóa đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm hiểm họa môi trường và sinh thái đồng thời cải thiện cuộc sống con người và công bằng xã hội.
Nhờ nền kinh tế xanh, các chính sách công, các quy chế, các động lực và các hiệp định quốc tế không chỉ giúp đảo ngược suy thoái môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn hơn so với nền kinh tế đương đại.
Liên hợp quốc nhấn mạnh nền kinh tế xanh là chủ đề trung tâm của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững vào tháng Sáu tới tại Brazil.
Những thành tựu của Sáng kiến kinh tế xanh được UNEP phát động từ năm 2008 đã chứng tỏ việc xanh hoá các nền kinh tế đã là động lực mới của tăng trưởng, là nguồn tạo ra nhiều việc làm có chất lượng và là chiến lược sống còn để giảm đói nghèo.
Nền kinh tế xanh sử dụng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, quản lý tốt hơn các nguồn nước, chất thải và cơ sở hạ tầng. Thành công của nhiều nước đang phát triển hướng tới thành công của nền kinh tế xanh cho thấy mô hình kinh tế này không chỉ là đặc quyền của các nền kinh tế phát triển và giàu có.
Nghiên cứu của UNEP ước tính thế giới cần đầu tư 1.300 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu hàng năm, để phát triển nền kinh tế xanh nhằm thay thế mô hình sản xuất không bền vững sử dụng quá giới hạn sinh thái của Trái Đất như hiện nay.
Trong khi sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế thế giới đương đại trong các thập kỷ tới và chấm dứt các nỗ lực tìm kiếm tăng trưởng kinh tế không hạn chế, nền kinh tế xanh có thể mở ra một kỷ nguyên mới bền vững hơn, tiêu thụ ít tài nguyên hơn và ít chất thải hơn.
Thành công của quá trình thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh ở 47 nước được UNEP khảo sát cũng cho thấy triển vọng thành công của các nền kinh tế xanh ở các nước đang phát triển./.