Theo số liệu do Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 30/8, chỉ số niềm tin kinh tế tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm từ 87,9 điểm trong tháng Bảy xuống 86,1 điểm trong tháng Tám.
Đây là tháng giảm thứ sáu liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2009, trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt ở Bắc Âu chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ kéo dài.
Bà Jennifer McKeown, chuyên gia cao cấp về kinh tế châu Âu của Capital Economics, nhận định chỉ số niềm tin kinh doanh và tiêu dùng của Eurozone tiếp tục giảm trong tháng Tám là dấu hiệu cho thấy khu vực này sắp rơi vào cuộc suy thoái rộng hơn.
Đức là một trong số 17 quốc gia thành viên Eurozone bị ảnh hưởng nhiều nhất, với chỉ số niềm tin giảm từ 96,8 xuống 95,8.
Theo một số nhà phân tích, các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", vốn làm giảm sút nhu cầu của người tiêu dùng tại Eurozone, đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang các nước Eurozone đã giảm 1,2% xuống còn 211,6 tỷ euro trong sáu tháng đầu năm nay.
Một bằng chứng nữa chứng tỏ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công đối với các nền kinh tế chủ chốt ở Bắc Âu đó là số người thất nghiệp. Tại Đức, trong tháng Tám, số người không có việc làm đã tăng thêm 9.000 người lên 2,9 triệu người, tương đương với 6,8% số người trong độ tuổi lao động.
Hàng loạt các số liệu tiêu cực gần đây đang gia tăng sức ép buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải can thiệp vào các thị trường trái phiếu chính phủ, nhằm giúp phục hồi kinh tế ở toàn khu vực châu Âu.
Một số chuyên gia đánh giá rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone khó có thể dịu bớt trong ngắn hạn, thậm chí các nước như Tây Ban Nha và Hy Lạp có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn.
Theo bà McKeown, đã có bằng chứng rõ ràng là toàn bộ Eurozone đang cần sự hỗ trợ về chính sách và điều này sẽ tăng thêm áp lực cho ECB trong tuần tới./.