Ngày 1/1/2012 sẽ đánh dấu tròn một thập kỷ đồng tiền chung châu Âu ra đời.
|
Năm 2012 sẽ là năm định đoạt số phận đồng euro
|
Trái với không khí chào đón cách đây 10 năm với những hứa hẹn về một đồng tiền chung lưu hành dễ dàng trong một châu Âu thống nhất và có giá trị ổn định, giờ đây cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa sự tồn vong của đồng tiền này.
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 30/12 cho rằng, “10 năm sau sau khi đưa vào sử dụng, đồng euro đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.”
Trong khi đó, nhật báo Le Figaro và nhật báo La Croix cho rằng, sự xuất hiện của đồng tiền chung đã mang lại nhiều thuận lợi cho hơn 300 triệu công dân châu Âu tại 17 nước thành viên trong khối.
Đồng euro đã tạo nhiều thuận lợi cho đời sống các doanh nghiệp châu Âu nhằm giảm thiểu các khoản chi phí liên quan đến vô số các loại tiền mà doanh nghiệp trao đổi.
Là một trong những đồng ngoại tệ lớn trên thế giới, euro đã tạo cho châu Âu một vị thế đáng kể trong các cuộc mặc cả kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đồng euro đã “không làm trọn những cam kết của mình.”
Cuộc khủng hoảng lần này đã làm nổi bật hai điểm yếu chính của Liên minh châu Âu (EU).
Thứ nhất là thiếu một đường hướng chỉ đạo chính trị cho các nước thành viên. Do không có sự kết hợp chặt chẽ trong các chính sách kinh tế mà vô hình chung các nước thành viên đã tạo ra hố ngăn cách giữa các nước lớn và các nước ngoại vi. Thứ hai, EU không có một quy định hướng dẫn ngân sách chung.
Theo Le Figaro, cần phải thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn Khu vực đồng tiền chung châu Âu bùng nổ.
Ngày 31/12, trong bài phát biểu chào mừng Năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merken đã nhấn mạnh rằng, châu Âu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nếu muốn đồng euro thành công với tư cách là một đồng tiền chung, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Bà cam kết nỗ lực hết sức để củng cố đồng euro.
Trong một thập kỷ qua, Đức đã trải qua một giai đoạn cải cách đầy khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và tăng trưởng kinh tế suy giảm. Hiện Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nhà bảo trợ cho các "mắt xích" yếu trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
14 trong số 20 chuyên gia kinh tế được hãng Reuters phỏng vấn cuối tháng 11 vừa qua cho rằng, đồng euro sẽ không thể tiếp tục tồn tại như trước đây và nhiều tập đoàn lớn đã chuẩn bị phương án cho tình huống xấu nhất.
10 năm đã trôi qua và năm 2012 sẽ là năm định đoạt số phận đồng tiền từng được coi là biểu tượng cho sự thống nhất của châu Âu./.