Ngày 25/1, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 42 đã khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ với sự tham dự của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng khoảng 2.600 nhà lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn, đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà chính trị và hoạt động xã hội từ hơn 100 nước trên thế giới.
Với chủ đề "Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới," diễn đàn năm nay, kéo dài từ ngày 25 đến 29/1, tiến hành 250 phiên thảo luận tập trung vào các đề tài như các mô hình tăng trưởng và việc làm, các mô hình đổi mới và lãnh đạo, các mô hình tài nguyên mang tính lâu dài cũng như các mô hình xã hội và công nghệ.
Hội nghị WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, còn nhu cầu từ hầu như tất cả các nước phát triển suy giảm, bất ổn xã hội gia tăng như là hệ quả của kinh tế yếu kém...
Giới phân tích nhận định thế giới đang đối mặt với những nguy cơ ngày càng tăng ở một quy mô chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Điều này được phản ánh trong đánh giá "Những nguy cơ toàn cầu 2012" công bố ngày 11/1, tập trung kết quả thăm dò 469 chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Phát biểu trước khi khai mạc hội nghị, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab nêu ra câu hỏi quan trọng là liệu chủ nghĩa tư bản còn phù hợp với thế giới ngày nay.
Theo ông Schwab, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt và sau đó có thể dẫn thế giới rơi vào tình trạng "lạc lối" với kinh tế suy giảm, xã hội rối loạn đi kèm với các chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Ông Schwab kêu gọi cải cách mô hình cũ để theo kịp với sự chuyển đổi của thế giới đang diễn ra./.