Đài BBC cho biết, theo cách tính can chi của người Trung Quốc, năm 2012 là năm con rồng, đánh dấu một năm chuyển giao, bất ổn và thay đổi.
Các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đối mặt với những biến động trong năm 2012.
Đó là nhận định của ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực này của Công ty phân tích kinh tế và tài chính IHS Global Insight.
Khu vực đồng euro (Eurozone) đã đi vào suy thoái vào cuối năm 2011, trong khi cơ hội để kinh tế Mỹ phục hồi cũng chỉ ở mức vừa phải cho dù cũng đã có những tín hiệu đáng khích lệ trong những tháng gần đây.
Năm con rồng cũng được đánh dấu bởi những biến số chính trị với các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Pháp cũng như chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc.
Bất chấp những biến động về kinh tế-chính trị mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối măṭ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục là khu vực phát triển mạnh nhất của kinh tế thế giới trong năm 2012 với tốc độ tăng trưởng là 5,3%, so với 4,5% trong năm 2011.
Dự báo này dựa trên kịch bản được xây dựng bởi IHS Global Insight rằng Eurozone sẽ chỉ bị suy thoái nhẹ trong năm 2012 với tổng sản phẩm quốc nội khu vực giảm 0,7%, trong khi Mỹ duy trì tăng trưởng ở mức 2%.
Sức tăng của nhu cầu ở thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại trong khu vực châu Á sẽ giúp cân bằng tác động của sự suy giảm nhu cầu ở các nước Eurozone.
Có ba nhân tố chủ chốt làm nên sự dẻo dai trong tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ nhất, kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2012.
Thứ hai, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ ‘hạ cánh mềm’ trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ còn 7,8% chứ không bị suy giảm nặng nề như nhiều người lo sợ.
Nhu cầu của thị trường nội địa sẽ là nhân tố củng cố cơ hội tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc với các số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tháng 11 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu tư vào các tài sản cố định tháng 11 cũng tăng 21,2% so với năm 2011.
Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu một chương trình xây dựng nhà ở cho những gia đình có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2011-2015.
Thứ ba, kinh tế Nhật Bản được trông đợi sẽ phục hồi nhẹ vào năm 2012 do sản xuất công nghiệp sẽ trở lại bình thường và gói kích thích tài chính phát huy tác dụng.
Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng 9,5% trong năm 2012 sau khi giảm 2,8 trong năm 2011. Sự phục hồi tăng trưởng của Nhật Bản là nhân tố quan trọng thứ ba giúp giảm nhẹ tác động của sự suy thoái trong Eurozone.
Mặc dù các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có sự thích nghi tốt trong hoàn cảnh khó khăn, những nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Singapore, Malaysia và Hong Kong được dự đoán sẽ giảm nhẹ tăng trưởng do nhu cầu yếu đi ở Eurozone.
Cơ hội tăng trưởng của Ấn Độ cũng đang yếu đi do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2010 khi ngân hàng trung ương nước này phải đối phó áp lực lạm phát kéo dài.
Tuy nhiên, ở những quốc gia khác trong khu vực, áp lực lạm phát đang giảm bớt. Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia đã chứng kiến lạm phát đi xuống trong những tháng gần đây.
Triển vọng trong năm 2012 đối với hầu hết các ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Á mới nổi là theo đổi các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn, mặc dù vẫn phải thận trọng, trong bối cảnh áp lực lạm phát đã yếu đi. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ Eurozone. Nếu như nỗ lực bình ổn kinh tế của các chính phủ Eurozone thất bại thì cuộc khủng hoảng kinh tế tại khu vực này có thể sẽ leo thang.
Bất cứ một biến động nào như thế cũng có nguy cơ làm bùng phát suy thoái trên phạm vi toàn cầu với các cú sốc trầm trọng lan đến châu Á khi thương mại giảm sút, tín dụng toàn cầu càng bị thắt chặt và dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi để tránh rủi ro.
Nguy cơ thứ hai là trường hợp kinh tế Trung Quốc không thể "hạ cánh mềm" với tốc độ tăng trưởng giảm sâu hơn xuống dưới mức 5%.
Trong khi kịch bản này có khả năng không cao, chỉ vào khoảng 25%, thì tình trạng mất cân đối và dễ bị tổn thương của kinh tế Trung Quốc đã tăng lên trong hai năm qua.
Yếu tố gây tổn thương chủ yếu đối với kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến 50% trong hai năm 2009-2010 và cùng với nó là sự gia tăng nhanh chóng các khoản vay mượn của chính quyền địa phương, dẫn đến hậu quả là các khoản nợ phi kinh doanh trung hạn của khu vực ngân hàng Trung Quốc đã gia tăng đáng kể.
Chính vì vậy, mặc dù triển vọng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012 là vẫn duy trì được khả năng ứng phó trong khó khăn, năm con rồng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến cố./.