Nhiều chương trình như hỗ trợ tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu, các lĩnh vực gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai nhằm trợ giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
|
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. - Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
|
Trong 7 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 540 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn đăng ký là 2.500 tỷ đồng.
Con số này so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm trên 10% về số doanh nghiệp và giảm 30% về số vốn đăng ký (cùng kỳ là 605 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 3.500 tỷ đồng).
Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh Quảng Ninh đăng ký đạt 7.900 doanh nghiệp, số vốn đăng ký gần 87.000 tỷ đồng.
Các nhóm ngành nghề kinh doanh được doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ chiếm 22% so với toàn bộ các ngành đăng ký; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 13%; xây dựng chiếm 12%; vận tải kho bãi và hoạt động dịch vụ hỗ trợ chiếm 10%.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang còn nhiều hạn chế như về tiềm lực tài chính, năng lực, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư.
Nhằm đẩy mạnh phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian qua, Trung ương và tỉnh Quảng Ninh đã có những chương trình trợ giúp các doanh nghiệp như: hỗ trợ tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu, các lĩnh vực gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phù hợp với khả năng và điều kiện của các doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ tư vấn về tín dụng, đầu tư và các lĩnh vực khác; miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về mặt bằng sản xuất, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các chính sách ưu đãi tài chính về đất đai nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất và tạo quỹ đất mới cho doanh nghiệp thuê và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường đào tạo bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, xây dựng thương hiệu và các hoạt động tiêu thụ, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…/.
Tuấn Đức
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ